Thanh Hóa: Chủ động bảo vệ môi trường biển

Tạp chí Biển Việt Nam - Các huyện, thị xã, thành phố ven biển ở tỉnh Thanh Hóa đã và đang chủ động khắc phục những tồn tại, khó khăn, xây dựng nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững để bảo vệ môi trường biển.
Để hạn chế việc ô nhiễm biển biển và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn, thời gian qua, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn tiếp tục quan tâm chỉ đạo từ thành phố xuống đến phường, xã về nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, tiếp tục vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không đổ rác thải, phế thải ra đường, bãi biển, nơi công cộng. Để hoạt động bảo vệ môi trường đi vào nền nếp, thành phố cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường…
Việc thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Sầm Sơn được quan tâm và thực hiện thường xuyên. 
Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động như hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, chiến dịch hãy làm sạch biển, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân và du khách, làm vệ sinh môi trường trên địa bàn, nhất là tại khu vực bãi biển, bãi xe… Tổ chức ra quân ngày chủ nhật xanh, ngày thứ bảy tình nguyện, làm vệ sinh các tuyến đường thanh niên tự quản. Những hoạt động đó có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân và khách du lịch về công tác bảo vệ môi trường biển, tác hại của rác thải nhựa.
Công tác bảo vệ môi trường khu vực ven biển huyện Hậu Lộc đang được cơ quan đoàn thể quan tâm và thực hiện. 
Tại Hậu Lộc, hằng năm UBND huyện đã giao chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại cụ thể cho từng địa phương; chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư và dọc tuyến đê biển. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho  các xã ven biển chịu trách nhiệm quản lý và xử lý vệ sinh môi trường tại khu vực cửa cống và dọc tuyến đê biển thuộc địa phận các xã. Định kỳ hằng tháng, các xã ven biển tổ chức phát động các tầng lớp nhân dân bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn, các hộ dân, học sinh… tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư và dọc tuyến đê biển.
Một số khu vực vẫn còn ô nhiễm rác thải.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường biển của huyện Hậu Lộc cũng đang gặp phải không ít khó khăn cho vị trí địa lý đặc biệt. Ông Lê Trọng Thắng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hậu Lộc cho biết: “Do vị trí địa lý một số xã ven biển nằm xen kẹp giữa hạ lưu của sông Lạch Sung và Lạch Trường, tạo ra một dòng xoáy quẩn rác từ thượng nguồn đổ về; đặc biệt giáp ranh 2 xã Đa Lộc và Hưng Lộc có cống Ba Gồ rác thường xoáy về nhiều ở đây. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân cũng phát sinh rác thải. Hằng năm, huyện đã phối hợp với các đoàn thể, thường xuyên đôn đốc các xã, tổ chức dọn vệ sinh, song với điều kiện thực tế về tự nhiên, cùng với khó khăn cả về ngân sách lẫn nhân lực khiến hiện tượng rác thải tồn đọng ven biển vẫn còn xảy ra.
Tải khu vực đường xuống bãi biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, công tác vệ sinh môi trường đang được cơ quan đoàn thể và người dân thu gom rác thải.
Tại Hoằng Hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh.
Các xã đều có thùng rác để thu gom rác thải khu vực công cộng. 100% các xã, thị trấn đã tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định (trong đó: chôn lấp chiếm 55%; công nghệ cao 45%).
Ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: “Xã Hoằng Trường có tới 3 km bờ biển, lại nằm ngay vị trí cửa sông nên hàng năm cứ mùa mưa lũ thì rác, cây cối từ thượng nguồn thậm chí cả bèo dạt vào bờ rất nhiều. Xã đã tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, định kỳ hằng tháng tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại nhiều tuyến đường; nhất là tại khu vực bãi biển, bờ sông, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định”.
Ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường trao đổi với phóng viên.
“Nghiêm cấm việc vứt rác ra bờ biển của khách du lịch biển, thường xuyên nhặt rác bẩn dọc bờ biển để hạn chế việc ô nhiễm. Giám sát hoạt động xả thải nước bẩn ở hộ dân và khu nuôi trồng thủy hải sản. Xây dựng hệ thống hóa sinh xử lý nước thải trước khi đưa xuống biển. Đưa ra các hình thức xử phạt với những tổ chức làm trái quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương về việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển, chú trọng công tác phòng ngừa, kết hợp với xử lý có hiệu quả cao ô nhiễm, cải thiện môi trường biển vùng ven biển”, ông Thảo nói.
Mỗi chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ để cho biển không bị ô nhiễm. Vì một Việt Nam xanh – sạch- đẹp phát triển không ô nhiễm, vì tương lai tốt đẹp của chính chúng ta.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu