Thanh Hóa: Kỷ niệm 450 năm năm sinh Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng ngày 9/11, UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 450 năm năm sinh Danh nhân văn hóa - quân sự Hoằng quốc công Đào Duy Từ (1572-2022).
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm

Dự buổi lễ có lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; Ban Tuyên giáo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn, các doanh nghiệp, cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, những người có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng phát triển quốc gia dân tộc. Đồng thời sự kiện này cũng là dịp để giới thiệu và tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên vùng đất Nghi Sơn.

Các đại biểu tham dự buổi lễ
Đào Duy Từ là một nhân vật lịch sử lớn của thế kỷ 17 ở nước ta. Ông được người đương thời và cả ngày nay ca ngợi là tài năng kiệt xuất, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa. Đào Duy Từ, tên tự là Lộc Khê, sinh năm Nhâm Thân (1572) tại làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá).
Ông là người sớm nổi tiếng học giỏi tài cao, năm 21 tuổi thi Hương đậu Á nguyên nhưng bị Hiến ty trục xuất khỏi trường thi bởi chiếu theo luật lệ triều đình phong kiến con nhà ca xướng không được đi thi để ra làm quan. Dù lâm vào cảnh éo le, con đường khoa cử chấm dứt, Đào Duy Từ vẫn kiên trì, nỗ lực dùi mài kính sử, rèn đức luyện tài, chờ thời cơ để tìm đường đem tài năng, giúp dân giúp nước. Năm 1625, Đào Duy Từ rời đất Bắc vào sinh sống và gây dựng sự nghiệp ở đất Tùng Châu, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là xã Hoài Thắng, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn phát biểu tại buổi lễ
Năm 1626, Đào Duy Từ được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng và giao chức quan Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong Dinh ngoài Trấn, tham gia chỉnh đốn việc chính trị trong nước. Ông là người khởi xướng công việc mở rộng vùng đất phương Nam, đặc biệt là người hiến kế và chỉ đạo thi công hai công trình quân sự nổi tiếng Lũy Trường Dục, Lũy Thầy; người viết bộ sách “Hổ trướng khu cơ” dạy binh pháp cho tướng sĩ xứ Đàng Trong.
Bên cạnh những cống hiến xuất sắc về chính trị, quân sự, Đào Duy Từ còn là một nhà văn hóa. Ông để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tiêu biểu như “Ngọa Long cương vãn”, “Tư Dung vãn”. Ông chính là người khởi tổ của môn hát tuồng, đặc biệt là kiệt tác vũ khúc Tuồng Sơn Hậu. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi 8 năm (1626 – 1634), ông đã làm nên những kỳ tích phi thường, giữ vững cơ sở của Chúa Nguyễn, mở mang bờ cõi phương Nam, đặt nền móng vững chắc cho Triều Nguyễn, chẳng hạn như: sửa sang chính trị quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao, làm cho đàng trong phồn vinh và hùng cường.
Các lãnh đạo trồng cây lưu niệm tại khu Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn
Ngưỡng mộ công lao, đóng góp to lớn của ông đối với đất nước, quê hương, Nhân dân đã ca ngợi: “Ngọc uẩn Nang Sơn long hổ phục/Châu sinh Bạng Hải ngạc kình thanh”; “Thiên thu công đức Hoa Trai giáp/Vạn cổ anh linh trác vĩ thần”.
Đào Duy Từ mất vào ngày 17/10 năm Giáp Tuất (1634), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong tước hiệu “Lộc Khê hầu”; ban tên Thụy là Trung Lương cho đưa về an táng tại Tùng Châu, Phủ Hoài Nhơn; ban sắc lập đền thờ năm thứ 9 đời Gia Long (1810), tôn ông là đệ nhất công thần Nhà Nguyễn – đưa về Thái miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn.
Năm 1939, nhân dân làng Nổ Giáp đón rước sắc và lập đền thờ Đào Duy Từ tại tổ dân phố Sơn Thắng, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn ngày nay. Năm 2002, đền thờ được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hiện nay, đền đã được trùng tư xây dựng bề thế, khang trang xứng đáng với Danh nhân văn hóa – quân sự Hoằng quốc công Đào Duy Từ; là nơi thờ tự, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu