- Nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ ở Việt Nam hình thành từ năm 2004 và phát triển mạnh trong những năm gần đây, mang lại nguồn thu nhập giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép chim yến theo kiểu tận diệt đang trở thành vấn nạn đáng báo động tại nhiều nơi.
Cụ thể, ngày 15/5 vừa qua, hình ảnh một người phụ nữ chở hàng trăm con yến bằng xe máy di chuyển đến khu vực chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được lan truyền rộng rãi.
Thông tin từ nhiều nguồn cho hay, số lượng yến trên bị giăng lưới tàng hình bẫy bắt tại địa bàn huyện Thăng Bình và một số huyện lân cận. Đáng nói là người phụ nữ này không kinh doanh chim yến cho mục đích lấy tổ, mà trực tiếp bán cho các quán nhậu.
Là người kinh doanh yến sào lâu năm tại địa phương, anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ cơ sở yến sào Thiên Phú (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) chia sẻ, thông thường các đơn vị nuôi chim thường phát loa nóc (loa phóng, loa lục giác, bác giác, tứ giác) dẫn dụ chim về làm tổ. Nhưng thời gian qua, ghi nhận không ít trường hợp bẫy lưới chim để phục vụ cho các mục đích săn bắt, tận diệt.
“Hành vi này gây suy giảm đàn yến tự nhiên khiến chim non không được mẹ chăm sóc, mớm mồi dẫn đến chết vì đói. Đồng thời, số lượng yến nuôi trong nhà giảm mạnh theo thời gian”, anh Trung cho biết.
Cũng theo anh Trung, người săn bắt thường dùng lưới tàng hình (sợi nhỏ, khó nhìn thấy, quấn vào hai cọc tre căng dựng, thẳng đứng), kèm máy phát tiếng kêu của chim yến và chim mồi mắc giữa lưới. Lợi dụng thời điểm chim con rời khỏi tổ và từ đảo Cù Lao Chàm về để bẫy bắt số lượng lớn. Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến lao tới từ nhiều phía, mắc vào lưới.
Người dân tham gia giải cứu chim yến bị dính bẫy lưới tàng hình.
Liên quan đến thực trạng trên, Chủ tịch Hội Yến sào Quảng Đà Trần Phước Sỹ thông tin, tình trạng bẫy yến bằng lưới tàng hình ngày càng nở rộ suốt thời gian gần đây. Các hội viên của hội đã phát hiện và tổ chức nhiều đợt tháo gỡ bẫy, đồng thời không ít lần xảy ra xô xát với nhóm đối tượng săn bắt. Nạn săn bắt săn bắt chim yến trái phép khiến nhiều doanh nghiệp, người làm nghề phải lo lắng, lao đao.
Hằng năm, một cặp yến cho 3 vụ, thu về khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết cũng như lợi nhuận trước mắt, nhiều đối tượng xấu lại bẫy chim, không ngại tận diệt để bán ra thị trường chỉ khoảng 5.000 đồng/con.
Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan khiến số lượng đàn chim yến sinh sản rất khó. Hành động bẫy bắt số lượng lớn, không ngại tận diện như trên có nguy cơ khiến nghề bị mai một, người làm nghề phải mất trắng. Hiện, Hội Yến sào Quảng Đà đã có báo cáo gửi các ngành chức năng và mong sớm có biện pháp xử lý triệt để nhằm bảo tồn loài chim quý.
Ông Cao Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý khai thác yến Cù Lao Chàm cho biết: “Sản lượng yến Cù Lao Chàm những năm gần đây sụt giảm trầm trọng, giảm gần 90% so với 10 năm trước, hiện tại sản lượng chỉ khoảng trên 100 ký/năm”.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên, ông Nam cho biết có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu; quá trình đô thị hóa làm thu hẹp vùng thức ăn của chim; chim di đàn từ đảo về đất liền và một phần do nạn săn bắt trái phép.
Ban Quản lý khai thác yến Cù Lao Chàm cũng đề nghị các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, nghiêm khắc xử phạt và có biện pháp chế tài cụ thể. Qua đó, giúp loài chim yến phát triển tốt hơn, nâng cao sản lượng tổ yến thu hoạch, bảo tồn ngành nghề nuôi yến lấy tổ cả nước nói chung cũng như địa nói riêng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM