Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống ở Bình Thuận

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong những năm qua, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Các làng nghề này còn mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển.

Bình Thuận có khá nhiều làng nghề truyền thống như sản xuất gạch ngói, bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm, chế biến hải sản, nước mắm, mây tre đan…

Hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề.

Hiện còn các làng nghề như làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm của các làng nghề được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân trung bình từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình có khoảng 67 hộ/150 lao động tham gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận bà con dân tộc Chăm và cư dân tại địa phương; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3 triệu đồng/tháng…

Làng nghề bánh tráng ở Chợ Lầu huyện Bắc Bình.

Mặc dù thời gian qua, Bình Thuận đã có nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển, do máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chưa hấp dẫn, khó tìm được thị trường tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, một số người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống, không tham gia làm nghề, dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc xin chuyển đổi công năng (như làng nghề mía đường Tân Phúc, làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ…).

Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo nên thương hiệu của địa phương thông qua các sản phẩm.

Vậy nên mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, nhiệm vụ của chương trình là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Chương trình phấn đấu sẽ khôi phục, bảo tồn được từ 1-2 nghề truyền thống và phát triển từ 2-3 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.

Ngoài ra, theo mục tiêu, 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Ngọc Thư - Đỗ Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu