Lưu giữ nghề mắm biển
Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng “lửa nghề” vẫn cháy mãi trong tâm can bà Nguyễn Thị Tiếp. Bà mong muốn còn sống ngày nào thì ngày ấy tiếp tục truyền dạy nghề làm mắm truyền thống cho đời con, đời cháu và cả những thế hệ sau này.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Thuận đầy gió, cát và nắng; nghề làm mắm đến với bà như một cơ duyên. “Ngày ấy, cuộc sống cơ cực, vất vả, tôi mưu sinh bằng việc buôn bán ở chợ Phan Thiết. Suốt những ngày tháng lam lũ, đi lại, tôi nhận thấy nguồn cá cơm ở quê hương mình thật sự dồi dào, đặc biệt ở vùng biển Mũi Né. Từ đó, tôi quyết tâm đi theo nghề làm mắm truyền thống”, bà Tiếp nhớ lại.
Từ năm 1972, bà Nguyễn Thị Tiếp đã bắt tay vào việc làm mắm. Không theo học bất kỳ ai, bà Tiếp mua những mẻ cá cơm tươi xanh từ ngư dân đánh bắt ở vùng Mũi Né và tự nghiên cứu, học cách muối cá, tích góp kinh nghiệm rồi rút ra công thức làm mắm của riêng mình.
Vừa hướng mắt về những chum nước mắm ngoài sân, bà vừa kể: “Ngày trước cuộc sống khó khăn lắm. Để làm được mẻ nước mắm đầu tiên, tôi chắt chiu từng đồng, chỉ đủ vốn mua được một số cá ít ỏi. Muốn nước mắm ngon thì khâu chọn cá rất quan trọng. Cá cơm ủ mắm phải tươi, mắt cá trong, thân cá còn đàn hồi; đặc biệt nên mua cá cơm từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Sau mỗi lần ủ nước mắm thành công, tôi mang chúng ra chợ bán. Được mọi người đón nhận và cảm thấy thích thú với hương vị mắm của mình, tôi dần dần mở rộng, thu mua cá cơm và ủ mắm nhiều hơn, mãi cho đến ngày hôm nay”.
Đối với bà Tiếp, nghề làm mắm không chỉ là cái nghề đơn thuần mà nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bà. Dẫu thời gian trôi đi, cuộc sống có nhiều đổi thay thì bà vẫn muốn làm mắm theo cách truyền thống.
Theo bà Tiếp, làm nước mắm thủ công tốn nhiều thời gian và công sức hơn, ít nhất 1 năm thì cá mới được ủ thành mắm. Riêng nước mắm bà ủ thì phải mất từ 2 đến 3 năm. Tuy vậy, nước mắm làm ra lúc nào cũng thơm ngon, đậm đà, giữ trọn hương vị biển cả.
Bà Tiếp ví việc làm mắm như một hành trình dài, bởi nó đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Những mẻ cá cơm tươi rói thu mua từ ngư dân được làm sạch, chọn lọc lại kỹ lưỡng để cho ra nguyên liệu cá cơm hảo hạng nhất. Sau bước chuẩn bị nguyên liệu, cá cơm được mang đi trộn với muối và cho vào những chiếc lu bằng đất đã chuẩn bị sẵn. Tỷ lệ hoàn hảo để trộn cá cơm và muối là 3 cá 1 muối. Cá cho vào lu phải đảm bảo được ép xuống thật chặt.
Thông thường, cá cơm trải qua thời gian ủ 1 năm đã có thể tạo thành mắm. Tuy nhiên, bà Tiếp chia sẻ, riêng nước mắm bà làm phải được ủ từ 2 đến 3 năm. Có vậy, nước mắm làm ra mới ngon, đậm đà và nhiều đạm hơn. Đây chính là một trong những bí quyết lớn nhất của bà. Bên cạnh đó, bà còn có một số “mẹo” hay được thực hiện trong quá trình làm để tăng độ ngon cho nước mắm, mà chỉ có thể hướng dẫn cụ thể khi trực tiếp bắt tay vào việc.
Để gìn giữ và tiếp nối nghề làm mắm truyền thống, bà Tiếp đã truyền dạy công thức, cách thức làm mắm cho 8 người con của mình. Bà hướng dẫn tường tận từng khâu từ bước chọn nguyên liệu cá cơm, chọn muối cho đến ủ mắm, lọc mắm… Hiện tại, người con gái thứ 7 của bà vẫn đang thay bà tiếp tục theo nghề làm mắm thủ công và phát triển thương hiệu mắm truyền thống của gia đình. Bên cạnh đó, những ai thật sự muốn làm mắm và gắn bó với nghề đã lâu, bà cũng tận tình chỉ dạy.
Bà Tiếp hy vọng, theo dòng chảy của thời gian, nghề làm mắm truyền thống vẫn được giữ gìn và tiếp nối. Nhiều người xem bà như là thầy dạy.
Bên cạnh việc truyền dạy, những người như bà Tiếp đã góp phần tạo động lực to lớn để các thế hệ sau lưu giữ, trân trọng và phát triển nghề làm mắm truyền thống của quê hương Phan Thiết.