Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là ngày tri ân những nhà báo đã cống hiến trí tuệ và công sức nhằm mang đến cho độc giả những bài báo hay và chất lượng. Cũng vào ngày này, các cuộc thi báo chí với những sản phẩm chất lượng của các phóng viên, nhà báo được phát động.
Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Vì sao 21/6 được chọn là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) là ngày kỷ niệm ra đời của báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 21/6/1925. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo “Thanh niên” đã mở ra một dòng báo chí mới: Báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên (báo Thanh niên), qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925 – 1930, 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 1986, 1986 – đến nay đều có sự phát triển mạnh mẽ.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà báo vĩ đại
Năm 1917, sau hành trình 6 năm bôn ba trên con tàu buôn từ châu Âu qua châu Phi, châu Mỹ, tạm biệt những năm tháng trải qua nhiều công việc nặng nhọc như làm phụ bếp, cào tuyết, đốt lò hay bồi bàn, chàng trai 26 tuổi Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp với khát vọng tham gia các hoạt động chính trị.
Cũng năm 1917, Bác có bài viết đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”. Đây cũng là lần sung sướng nhất trong đời viết văn của Bác. Khi ấy, Bác đã đọc lại nhiều lần để xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa thế nào. Rồi cứ thế, Bác dần viết được bài dài hơn, ít sai hơn. Tất cả là nhờ vào sự kiên trì rèn luyện nên Bác đã thành công.
Trong thời gian ngắn, bằng sự nỗ lực của bản thân trên cơ sở xác định rõ mục đích và cách viết, Nguyễn Ái Quốc đã vào làng báo và một bài viết ấn tượng của Bác được tờ L’Humanité (Nhân đạo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18/6/1919. Đây chính là bản yêu sách với tiêu đề “Yêu sách của Nhân dân An Nam”.
Từ tháng 8/1919, Người đã có bài trên báo Nhân đạo và tiếp theo Người viết nhiều bài cho báo Dân chúng, Đời sống công nhân…
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia… thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của hội – tờ Le Paria (Người cùng khổ). Bác trở thành trụ cột của tờ báo, số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922. Bác làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp.
Ngoài tờ “Người cùng khổ”, Bác còn viết cho nhiều tờ báo khác bằng tiếng Pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài “Người Cùng Khổ” (1922); Việt Nam Hồn (1923), “Quốc tế Nông dân” (1924); còn có nhiều tờ báo như:
Ngày 21/6/1925, Bác đã sáng lập báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này.
Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam.
Tháng 2/1927, báo Lính Kách Mệnh.
Năm 1928, báo Đồng Thanh của việt kiều đổi tên thành tờ Thân Ái sau khi được Bác góp ý đổi tên.
Năm 1930, Bác sáng lập Tạp chí Đỏ, là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như: Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng nói của chúng ta…
Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập.
Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu Quốc.
Năm 1951, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Người đã viết hàng trăm bài báo cho tờ Nhân dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.
Báo Thanh niên. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Báo Thanh niên. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Như vậy, trong cuộc đời 79 mùa xuân với hơn 50 năm làm báo cùng 170 bút danh và trên 2.000 bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc còn là người công nhân nghèo tuổi đôi mươi đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn không ngừng viết báo. Người đã đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước khi nhìn thấy sức mạnh to lớn từ báo chí và sau này trở thành người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng có phát biểu về báo chí ở Việt Nam:

“Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”

Hồ Chí Minh – Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương – Tháng 12/1920

Ngoài việc luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, coi văn hóa là một mặt trận; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo thành hệ thống thông tấn, báo chí rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí ngoài việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, báo chí còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân.
Như Thông (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu