Ninh Binh: Hoa Lư- Hào hùng một thuở dựng nước

Tạp chí Biển Việt Nam - Tối 9/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Lư. Đây là lễ hội truyền thống có vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân, hào hùng một thuở lập nước Đại Cồ Việt- Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Bình. Đại diện lãnh đạo các bộ ngành ở Trung ương, đại diện các tỉnh bạn; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ; đại diện các cơ quan, ban ngành và đông đảo người dân trong tỉnh.

Mở đầu khai hội Hoa Lư là các hoạt cảnh cờ lau tập trận, màn đăng quang Hoàng Đế nước Đại Cồ Việt, trong hòa tấu trống, nhạc tưng bừng; giới thiệu vẻ đẹp danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ở vùng đất Cố đô Hoa Lư và lòng mến khách của người Tràng An- Ninh Bình; giới thiệu về  những giá trị khai quật khảo cổ học tại khu vực cánh đồng phía Nam đền thờ Vua Lê Đại Hành ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa.

Lễ hội Hoa Lư là một lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh  đã xây dựng Kinh đô Hoa Lư , lập ra nhà nước Đại Cồ Việt  và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Lễ hội Hoa Lư đã được xếp hạng là di sản văn hóa cấp quốc gia.

Lãnh đạo Ninh Bình dâng hương trong lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội đã có lịch sử lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Hiện nay, lễ hội Hoa Lư vẫn là lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Theo sử sách, từ khi Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô, thì Lễ hội Hoa Lư ở đều được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi như một Lễ trọng, một Quốc lễ. Đến ngày diễn ra Lễ hội ở Trường Yên, triều đình Thăng Long, hay triều đình Huế, đều cử các vị quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, “Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm, là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh- Tiền Lê- Lý. Lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo tồn lưu giữ được những giá trị văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung…”.

Trước đó, vào lúc sáng sớm ngày 9/4 (tức ngày 9/3 âm lịch),  Ban tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2022, đã tổ chức nghi lễ rước nước từ sông Hoàng Long về đến Vua Đinh Tiên Hoàng.  Rước nước là một nghi lễ cổ truyền có từ hàng nghìn năm nay, phản ánh đời sống tâm linh của người dân luôn mong muốn cầu nguyện “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống muôn dân no đủ”. Sau đó là nhiều nghi lễ khác như: Lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành và nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ đã có công dựng nước và giữ nước.

Lễ hội Hoa Lư là dịp khơi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; là một trong những hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để có được lễ hội Hoa Lư như hiện nay là cả một quá trình, mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả những truyền thuyết dân gian. Lễ hội Hoa Lư là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ thời nhà Lý đến các triều đại phong kiến về sau, vùng đất Ninh Bình được gọi là phủ Trường Yên. Tên gọi Trường Yên hay Trường An hay Tràng An đều có nghĩa là muôn đời bình yên. Vì vậy mà lễ hội lớn nhất vùng này cũng được mang tên là lễ hội Trường Yên. Tuy nhiên, do địa danh phủ Trường Yên xưa nay chỉ còn là tên của một xã nên không gian lễ hội đã vượt ra ngoài phạm vi tên gọi. Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định về việc điều chỉnh tên gọi di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Trường Yên” trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành tên Lễ hội Hoa Lư.

Lễ hội Hoa Lư còn có tên là lễ hội cờ lau vì có màn diễn tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh với trò chơi “Cờ lau tập trận” hay lễ hội Đinh Lê vì không gian trọng tâm của lễ hội diễn ra ở các di tích đền Vua Đinh Tiên Hoàng  và đền Vua Lê Đại Hành thuộc cố đô Hoa Lư.

Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu