Thanh Hóa: Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 12/12, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 17.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024; Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh; Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay; các báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Với tinh thần “Tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả”, từ đầu năm 2023 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp chuyên đề, thông qua 99 nghị quyết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương. Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII là kỳ họp thường lệ cuối năm có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh năm 2024 và cả giai đoạn 2021 – 2025.
Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh đã được tích lũy, rèn luyện qua nửa nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu; phát huy dân chủ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với các nội dung của kỳ họp; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp
Theo báo cáo tóm tắt, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%; một số cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ, như: điện sản xuất tăng 77,5%, thức ăn gia súc tăng 12,8%, giầy thể thao tăng 6,2%… Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán giao. Ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần…
Hệ thống thể chế được quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng.
Chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn được duy trì; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch; các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều chỉ số phản ánh về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ 9 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp
Theo báo cáo của đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp nêu rõ: Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khoáng sản, môi trường; về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị; về cơ chế, chính sách…
Trong đó, cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng Di sản Thành Nhà Hồ (được Ban quản lý Thành Nhà Hồ mượn để khai quật, khảo cổ). Sau khi trả lại mặt bằng cho Nhân dân sản xuất, canh tác gặp nhiều khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc trực tiếp với các hộ gia đình, cá nhân để chủ động giải quyết các khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại khu vực nêu trên theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng đất, UBND huyện Vĩnh Lộc hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có văn bản trả lại đất và thực hiện trình tự thu hồi đất khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai năm 2013.
Cử tri huyện Quan Hóa kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện và cấp phép khai thác các mỏ cát trên tuyến sông Luồng huyện Quan Hóa để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ công trình đầu tư công, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu của ngươi dân Quan Hóa. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Quan Hóa kiểm tra, rà soát sự phù hợp của khu vực mỏ với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất huyện Quan Hóa được UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tham mưu UBND tỉnh đưa khu vực mỏ vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định.
Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường 505B, hiện tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông – Vận tải tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục sửa chữa kịp thời các hư hỏng của công trình và thực hiện công tác đảm bảo giao thông trên tuyến; đồng thời, giao Sở Giao thông – Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường khi có điều kiện về nguồn vốn…
Tiếp đó, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Theo đó, năm 2023 Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ trì tổ chức 8.390 hội nghị để đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật tại các đơn vị bầu cử; tiếp 2.132 lượt công dân, tiếp nhận 790 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, có chất lượng; trong đó đã chủ trì tổ chức 1.515 cuộc giám sát; tham gia phối hợp 1.048 cuộc giám sát với các cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động phản biện xã hội ngày càng chủ động, thiết thực và hiệu quả.
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Cử tri gửi ý kiến, kiến nghị đến Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII đó là: Đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi; đẩy mạnh công nghệ cao, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của nông dân, hàng hóa trên thị trường.
Đề nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ; tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn trả các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do thi công dự án cao tốc tại một số địa phương; quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn các huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có giải pháp phù hợp, thứ tự ưu tiên tăng nguồn phí đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh…
Tiếp đó, đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, sau 22,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước.
Tại kỳ họp, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia đầy đủ các phiên họp, thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp, tích cực nghiên cứu tài liệu và phát biểu tại các phiên thảo luận; trong đó có 15 lượt ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường và 17 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tại tổ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 3 ý kiến chất vấn, 3 ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu của ĐBQH và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đều được các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh đưa tin kịp thời.
Tại kỳ họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lê Văn Đông đã trình bày báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Theo đó, năm 2023 tổng số tố giác, tin báo về tội phạm là 3.563 tin; đã giải quyết 2.919 tin, tạm đình chỉ 214 tin. Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 3.478 vụ án hình sự, 6.209 bị can, trong đó khởi tố mới 2.528 vụ, 4.788 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 2.608 vụ, 4.772 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 2.257 vụ, 4.615 bị can, đạt tỷ lệ 86,5%…
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu