Thư viện sách của người dân tự lập
Chúng tôi tới thăm “đường sách” của khu phố trên vào một buổi chiều mùa xuân Giáp Thìn, trong tiết trời se lạnh, vệt nắng chiều xuân xuyên qua vòm lá đủ để làm cho bất kỳ ai cũng thấy ấm áp. Ngay từ đầu ngõ, tôi đã thấy khá đông các bạn học sinh và các bác hưu trí đang tham gia đọc sách trên con đường này. Nhóm độc giả đang say sưa đọc sách, nhóm khác lại đang chăm chú tìm những quyển sách yêu thích trên các giá sách di động được xếp ngay ngắn. Không dám phá vỡ không gian yên bình và tập trung của mọi người nên chúng tôi nhẹ nhàng bước đến chiếc bàn đọc làm bằng lốp ô tô kê bên lề đường.
Đón tiếp chúng tôi là ông Hoàng Văn Lược, trưởng khu phố 7 cho biết: Xuất phát từ ý tưởng của các cháu sinh viên trong khu phố, mỗi dịp nghỉ hè hay nghỉ Tết, các cháu về quê nghỉ ngơi và muốn có sách, báo để đọc, nhưng số lượng sách, báo, tài liệu ở trong các nhà văn hoá rất hạn chế và bị giới hạn bởi thời gian mở cửa. Do vậy, các cháu đề xuất làm một vài tủ sách ở ngoài đường để ai cũng có thể đến đọc cho thuận tiện. Ông Lược đã bàn với các hộ dân trong khu phố và được mọi người đồng tình ủng hộ, chọn ngõ số 27 rộng rãi, thông thoáng, rợp mát bóng cây, yên tĩnh để làm một thư viện mở. Thư viện trên con ngõ dài chừng 100m này rất yên tĩnh, thuận tiện cho việc đặt tủ sách và đọc sách.
Các cháu học sinh chính là những người đầu tiên đóng góp những cuốn sách của cá nhân và tìm sự ủng hộ từ bạn bè khắp nơi gửi về cho thư viện. Các tủ sách có bánh xe di động nên có thể tùy ý di chuyển để cất vào nhà hoặc áp vào bên lề đường. Trên ngõ, người dân đã tự nguyện đóng góp và làm được khung mái che bằng bạt di động có thể che nắng, mưa bảo vệ tuyệt đối cho các tủ sách. Cẩn thận hơn, người dân còn lắp hệ thống phòng chống cháy nổ và đủ ánh sáng đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân vào buổi tối.
Trong tủ sách có khá nhiều các loại sách, báo, tạp chí của nhiều lĩnh vực khác nhau, rất phong phú và có giá trị như văn học, hội hoạ, sức khỏe, pháp luật, thiếu nhi… Ông Lược vui mừng cho biết, ban đầu thư viện chỉ có khoảng 1000 đầu sách do nhân dân trong phường chung tay đóng góp, nhưng hiện nay thư viện được nhiều người, nhiều đơn vị trong tỉnh biết đến và đã chung tay đóng góp xây dựng được khoảng 15.000 đầu sách, báo các loại. Người dân ở đây đã quen thuộc với việc sau khi hoàn thành công việc xã hội, gia đình lại trở về đây ngồi đọc sách mỗi ngày.
Bạn đọc giờ đây không chỉ là nhân dân trong khu phố mà còn bao gồm nhân dân trong các khu phố lân cận. Các cụ cao niên thì nhâm nhi chén trà đàm đạo, các cháu học sinh thì trao đổi thông tin với nhau. Tất cả tạo nên một nét văn hoá đọc sách vô cùng thân thiện, cởi mở, gần gũi và lôi cuốn. Một thư viện mà người đọc sách không phải trả tiền, người góp sách không được nhận tiền, người trông nom, quản lý, vệ sinh không được trả công nhưng ai cũng vui vẻ và nhiệt huyết.
Được biết, trong những năm qua thành tích học tập của các cấp học trong địa bàn phường luôn đứng top đầu thị xã. Thiết nghĩ văn hoá đọc sách của nhân dân trong phường đã đóng góp rất lớn vào thành tích học tập của các cấp học sinh nơi đây.
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Xuân Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Bỉm Sơn nhận định: “Đây là một cách làm hay, một mô hình đơn giản nhưng hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, duy trì và khuyến khích phát triển văn hóa đọc ở địa phương, làm đẹp thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Thị xã hết sức ủng hộ và hỗ trợ để thư viện được hoàn thiện hơn trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích các khu phố, phường trong địa bàn xây dựng thêm những thư viện theo mô hình này”.