Tráng mì Quảng bằng thủ công để giữ mãi hương vị truyền thống
Sáng mùng 3 Tết, tôi có dịp ghé lò tráng mì Quảng của gia đình bà Nguyễn Thị Kim và ông Nguyễn Văn Châu, 56 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Cả gia đình 4 người đang tất bật ra những sợi mì giao cho khách.
Theo bà Nguyễn Thị Kim: ngày mùng 3 Tết gia đình bà tráng gần 2 tạ mì để bán cho khách. Hầu hết là khách đã đặt trước nhằm nấu món mì Quảng gà truyền thống dâng lên bàn thờ để cúng đưa ông bà, tổ tiên.
Từ 3 giờ sáng gia đình bà đã thức dậy bắt đầu làm những công đoạn xây gạo, tráng mì.
Theo bà Kim, muốn làm ra một lá mì thơm ngon, chất lượng cần trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là tối hôm trước vo gạo sạch rồi ngâm trong nước vài tiếng đồng hồ sau khi gạo mềm, vớt ra cho ráo, đưa vào cối để xay vài lần sẽ cho ra bột. Sau đó đưa bột vào lò tráng mì đang được đun lửa nóng sẵn. Trước kia, gia đình dùng cối xay bằng tay, nhưng giờ có cối máy nên cũng đỡ tốn sức hơn. Người thợ tráng mì thủ công đòi hỏi phải khéo léo, tráng đều 2 lớp bột trên khuôn, chờ cho mì chín vừa tới thì vớt ra.
Mì tráng xong vớt ra vỉ gọi là mì lá. Mì lá có thể cuốn tròn chấm với nước mắm ăn hoặc đập bánh tráng nướng vào (gọi là bánh đập) dùng ngay tại chỗ.
Công đoạn cuối là thái mì Quảng bằng dao thành các sợi mì. Công đoạn này đòi hỏi người thợ có đôi tay khéo léo, nhanh nhạy để tạo ra các sợi mì đều, đẹp bắt mắt.
Bằng cách làm mì Quảng thủ công, truyền thống này gia đình bà Kim, ông Châu đã lưu giữ nghề hơn 40 năm, được gia truyền từ cha mẹ để lại nhằm góp phần lưu giữ món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng.