Xuyên đêm bảo vệ rùa biển Côn Đảo

Tạp chí Biển Việt Nam - Nhiều năm qua, lực lượng Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) miệt mài ngày đêm canh giữ, bảo vệ, tổ chức ấp nở và thả bảo tồn loài rùa biển để nơi đây trở thành "trung tâm" rùa biển lớn nhất Việt Nam.

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo ở Côn Đảo, có diện tích gần 700 ha. Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía đông của Côn Đảo, được bao phủ bởi rừng nguyên sinh, hệ sinh thái rừng ngập mặn của đảo nhiệt đới có hơn 150 loài động vật và gần 900 loài thực vật. Đây là nơi có số lượng rùa biển (Vích) lên đẻ nhiều nhất Việt Nam.

Đây cũng là nơi đầu tiên của việt nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và đã xác lập kỷ lục quốc gia về “Nuôi ấp, thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam”.

Khu vực bãi biển rùa lên đẻ trứng.

Được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh đã tổ chức phối hợp tuần tra và bảo vệ nghiêm ngặt đối với loại rùa biển này.

Năm 2022, khu vực Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh quản lý đã có hơn 400 cá thể rùa lên Bãi đẻ trứng thành công hơn 1.900 tổ, thả gần 200.000 cá thể rùa con về biển. Qua những số liệu trên đã cho chúng ta thấy được công tác bảo tồn, bảo vệ khu vực của Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh quản lý đã được chú trọng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khu vực ấp trứng rùa.

Bên cạnh đó, Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh đã phối hợp với các đơn vị tuyên truyền cho khách du lịch đến khu vực Trạm tham quan về công tác bảo tồn rùa biển, công tác bảo vệ tài nguyên rừng và biển, hướng dẫn cho khách du lịch xem rùa xanh lên bãi Cát Lớn đẻ trứng, hướng dẫn cho khách du lịch thả rùa con về biển. Đây là sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc tại Côn Đảo, được nhiều người lựa chọn khám phá.

Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ

Trạm cũng đang gặp phải một số khó khăn như: số lượng rùa biển lên bãi đẻ nhiều trong khi quân số trạm ít; công việc nhiều nên phải chia ca trực xuyên suốt tại 4 bãi rùa lên đẻ. Hằng đêm phải phân bố nhân lực canh trực suốt đêm để kịp thời di dời trứng về hồ ấp đúng thời gian. Những hôm thời tiết không thuận lợi cán bộ trạm phải đi bộ đường rừng gần 5 km để mang trứng về hồ ấp. Vì việc di dời trứng đường bộ chịu sự va chạm nhiều gây ảnh hưởng đến tỷ lệ nở. Có những đêm ảnh hưởng thủy triều, rùa biển lên cả đêm nên trạm phân công ca trực xuyên đêm.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trạm trưởng chia sẻ: “Hiện nay đơn vị có 6 công chức Kiểm lâm và 2 hợp đồng cán bộ chuyên môn về rùa biển; trong đó có 1 trạm trưởng và 1 trạm phó. Với lực lượng mỏng, cùng với diện tích khu vực rộng, tính chất công việc khá phức tạp, đòi hòi sự tỉ mỉ, kiên trì cao, đơn vị đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Song với tinh thần đoàn kết, lòng yêu nghề cũng như quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan giao, Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh luôn thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đạt được nhiều kết quả tốt”.

Rùa biển vào bờ đẻ trứng.

Có những cán bộ có gia đình ở đảo Côn Sơn, có người thì gia đình lại ở đất liền nên gặp ít nhiều khó khăn trong cuộc sống, nỗi nhớ gia đình. Quân số trạm mỏng, khối lượng công việc nhiều liên tục cả ngày lẫn tối nên giấc ngủ bị hạn chế, mỗi người chỉ ngủ được 2 – 3 giờ đồng hồ mỗi đêm. Song không vì thế mà cán bộ trạm có tinh thần chán chường, bỏ cuộc. Anh em trạm thường động viên bảo ban nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau chia sẻ khó khăn, nỗi nhớ gia đình, quê hương. Tinh thần đoàn kết luôn ở mức độ cao nhất, cả tập thể trạm cùng ăn, cùng ở, cùng làm; đồng thời thường xuyên tăng gia cải thiện đời sống như: trồng rau, cây ăn trái, chăn nuôi gà…

Ông Nguyễn Quang Triều, Bí thư đoàn thanh niên Công ty TNHH – MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (Fosco) thăm và trao quà cho lực lượng Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh.

Bên cạnh nhiệm vụ chính được giao, thời gian qua Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh đã kết hợp với các đơn vị liên quan đã tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản, Luật bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của vườn quốc gia… cho hàng ngàn lượt ghe, tàu đến khai thác thủy sản. Tuyên truyền cho hàng chục ngàn người vào tham quan. Phương pháp và nội dung tuyên truyền được thể hiện rất đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng, mang lại hiệu quả cao nhất.

Lâm Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu