Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo
Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Những năm qua, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền và quyền tài phán của nước ta.… Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, trong suốt trong những năm qua, công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung, hình thức và các biện pháp tuyên truyền được quan tâm đổi mới, bám sát thực tiễn.
Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác tuyên truyền đã phản ánh đậm nét nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Chính điều này đã thể hiện biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Giá trị kinh tế biển
Tại diễn đàn, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh lại tiềm năng, thế mạnh, giá trị tài nguyên to lớn của biển, đảo Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận thư ký hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân, nói: “Bờ biển nước ta dài trên 3.260km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang); đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc và các lãnh thổ trên thế giới. Theo Công ước về luật Biển của Liên Hợp quốc năm 1982 thì nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông”.
“Biên giới, biển đảo là bộ phận không tách rời lãnh thổ quốc gia, là khu vực nhạy cảm và luôn có nguy cơ bị xâm lấn, xâm phạm. Cha ông ta qua nhiều thời đại đã trả bằng nhiều xương máu chống ngoại xâm để giành, giữ được từng mét đất, hòn đảo, vùng trời của Tổ quốc. Đây là chủ quyền quốc gia thiêng liêng không thể để bất cứ thế lực nào xâm chiếm”.
Và trong công tác tuyên truyền giữ gìn biển, đảo thì báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, cho biết: “Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về biên giới, biển đảo được trung tâm triển khai đồng bộ, kịp thời trên tất cả các hạ tầng truyền thông gồm: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, trên các nền tảng báo chí của trung tâm, ngoài các bản tin thời sự hằng ngày, trung tâm còn có các chuyên mục, chuyên đề định kỳ như: kinh tế biển, hướng về biển đảo quê hương…”.
Trung tâm truyền thông Quảng Ninh chú trọng đến các chủ đề như: công tác quản lý biên giới trên biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền phát triển kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, du lịch biển, đảo; các gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo…
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ cũng đã chia sẻ công tác thông tin đối ngoại về biển đảo và tuyên truyền bảo vệ biên giới tại địa phương, góp phần củng cố sự đoàn kết toàn dân, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nâng cao công tác tuyên truyền trong tình hình mới
Nhà báo Vũ Duy Hưng, Giám đốc truyền hình Nhân Dân đánh giá: “Các lực lượng làm thông tin đối ngoại cả ở trong và ngoài nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, hướng tới các đối tượng khác nhau theo hướng linh hoạt, thuyết phục, góp phần củng cố sự đồng thuận xã hội, ủng hộ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Bà Nguyễn Thị Phương Duyên (Trường đại học Thành Đông, thành viên CLB Vì Biển đảo Quê hương), cho rằng: “Bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc nói chung và chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Do đó, việc giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ”.
Thiếu tá – nhà báo Hoàng Trường Giang (Báo Quân đội nhân dân) phát biểu: “Có thể thấy, với phóng viên báo chí hiện nay, việc tìm được đề tài mới, hấp dẫn đối với biển đảo, đặc biệt là Quần đảo Trường Sa hay cụm Nhà giàn DK1 là không dễ. Theo tôi chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho hậu phương cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biển đảo. Lên án sự lạm dụng, trục lợi, về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển. Tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Cần một cơ chế tài chính phù hợp cho công tác tuyên truyền về biển đảo
Tổng kết diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ, trong thời gian tới, việc tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần có chiến lược thông tin lâu dài:
Một là, tuyên truyền hơn nữa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo cho bà con xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Thứ hai, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt; kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ ba, báo chí tăng cường viết bài về những tấm gương của quân dân ta trên biển đảo tổ quốc. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên sâu, chuyên nghiệp viết về biển đảo.
Thứ năm, các cơ quan báo chí xây dựng cơ sở dữ liệu phong phú kịp thời, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm với cơ quan báo chí để tuyên truyền về các sự kiện biển đảo, tránh để tình trạng báo chí đi sau mạng xã hội… Cùng với đó, có một cơ chế tài chính phù hợp cho công tác tuyên truyền về biển đảo.
Thứ bảy, bên cạnh việc bảo vệ an ninh quốc phòng, chúng ta cần vạch trần các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến biển đảo nước ta.
Cuối cùng là kịp thời động viên, khen thưởng các nhà báo có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam Hoàng Thị Huệ: “Biển và đảo Việt Nam có ý nghĩa to lớn, rất quan trọng trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vấn đề liên quan đến biển, đảo. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo; khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, chung tay góp sức vì sự nghiệp biển, đảo”.