Chiến lược cho Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Tuy nhiên, tiềm năng và chiến lược cho 2 khu vực này còn rất lớn. Chính vì vậy, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với những mục tiêu cụ thể đó là:
Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bên vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc. Các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngoài những mục tiêu như trên, thì Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị thông minh ven biển…
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Và để triển khai, ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 – 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 – 3 lần so với năm 2020; trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 40,7%, dịch vụ chiếm khoảng 37,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm.
Thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20 – 25% cả nước; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2 – 3 điểm % so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47 – 48%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng, nhất là hạ tầng giao thông.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội vùng.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bên vững, mạnh về kinh tế biển
Tập trung cho kinh tế biển
Cũng theo Chương trình hành động của Chính phủ, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển. Nhất là các ngành như: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi; các ngành kinh tế biển mới…
Mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen.
Đồng thời xây dựng quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, các quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển; rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng.
Và cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao (như: nuôi yến, khai thác yến sào, khai thác cá ngừ). Xây dựng thương hiệu, phát triển các thị trường tiêu thụ, hình thành các trung tâm đấu giá sản phẩm; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh.
Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu…