Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận

Tạp chí Biển Việt Nam - Tỉnh Bình Thuận cũng như ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh này đã và đang tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; nhằm phục vụ du khách được tốt hơn.

Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) xác định: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo dịch vụ du lịch chất lượng, đa dạng, đặc sắc, bền vững và an toàn; giữ vững và phát triển thương hiệu của hệ thống cơ sở du lịch hiện có; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Để phát triển du lịch, ngoài yếu tố tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, thì nguồn nhân lực là một trong các yếu tố không thể thiếu, mang tính chất quyết định đến chất lượng “ngành công nghiệp không khói” này.

Hiện Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam; Mũi Né trở thành 1 trong 6 khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch biển đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch theo định hướng hiệu quả và bền vững, tỉnh Bình Thuận đang phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt du khách, đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, trong đó du khách quốc tế chiếm từ 15 – 20%. Doanh thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 63.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2026 – 2030 từ 20 – 22%/năm.

Hình ảnh du lịch tỉnh Bình Thuận ngày càng được nâng cao

Theo thống kê, cuối năm 2019, toàn tỉnh có 28.500 lao động phục vụ trong các cơ sở, doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính dẫn tới nhiều lao động trong ngành đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới.

Đến nay, tình hình cho thấy đang phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch – khách sạn – lữ hành cho biết, mặc dù vẫn giữ nhiều nhân sự chủ chốt trong suốt giai đoạn dịch bệnh nhưng lực lượng này không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận cho biết: “Theo thống kê từ 75 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Du lịch, hiện có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt nhân lực lao động trầm trọng, nhân sự đa số rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Trong các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu thị trường. Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra lỗ hổng lớn trong ngành du lịch, nhất là khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới”.

Bên cạnh đó, trình độ người lao động tại các cơ sở du lịch hiện nay chỉ ở mức trung bình. Lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chỉ chiếm 25%; trung cấp 18%; sơ cấp 14%; chứng chỉ nghề 14%, bồi dưỡng ngắn ngày 29%. Thực tế hiện nay, lao động ngành du lịch thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế nhưng còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ.

Hướng dẫn lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh

Nhiều nhà tuyển dụng lao động trong khối kinh doanh du lịch cho biết, ngoài việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, lao động phục vụ thường xuyên tại các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, thì lao động hiện còn “yếu” về chất lượng và do đó khi tuyển dụng, các doanh nghiệp hầu như phải đào tạo lại, từ 2 – 3 tháng đầu.

Để nguồn nhân lực ngành du lịch từng bước phục hồi và sớm khởi sắc nội lực trở lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thì cần có nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, để gia tăng đội ngũ lao động phục vụ cho ngành du lịch, trước mắt sẽ tiếp tục chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo trong tỉnh; về lâu dài sẽ có các chế độ, chính sách hấp dẫn nhằm tạo niềm tin, thu hút nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Đặc biệt, hiện tỉnh đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ngoài Trường đại học Phan Thiết, còn có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành nghề du lịch. Theo thống kê, số người được đào tạo có việc làm đạt trên 80% tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đỗ Hà- Tiểu Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu