Thanh Hóa: Thêm hai nghề truyền thống được công nhận OCOP

Tạp chí Biển Việt Nam - Những năm qua, việc phát triển các nghề truyền thống như làm chiếu cói, mắm cáy có ý nghĩa lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Từ nỗ lực đó, hai sản phẩm chiếu cói và mắm cáy đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP.
Mắm cáy Quảng Phúc – hương vị đậm đà của quê hương
Xã Quảng Phúc là một vùng quê chiêm trũng gắn liền với việc trồng lúa, cói và đánh bắt thủy sản. Trong đó, con cáy, con rạm, rươi là sản phẩm thu hoạch chủ yếu của người dân trong xã. Con cáy là một loại thủy sản được thiên nhiên ban tặng cho quê hương xã Quảng Phúc, nó có lượng dinh dưỡng cao, cung cấp cho con người một lượng lớn canxi và vitamin…
Cơ sở sản xuất mắm cáy của gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, xã Quảng Phúc được công nhận là sản phẩm OCOP.
Ai đó đã một lần dừng chân trên quê hương Quảng Phúc thì chắc hẳn đã được nghe về đặc sản “mắm cáy Quảng Phúc”. Một đặc sản trứ danh gắn liền với người dân chân phương và bình dị, nơi có sông Hoàng và sông Yên chảy qua.
Rất khó để xác định nghề làm mắm có tự bao giờ song nó hình thành, phát triển và gắn liền với đời sống của người dân bản địa như một lẽ tự nhiên. Qua bao thăng trầm của thời gian, nghề mắm xã Quảng Phúc có lúc đã rơi vào “khoảng lặng”, song đến nay đã có những phát triển rõ rệt, đạt được nhiều kết quả mong đợi, đó cũng nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cùng với tâm huyết yêu nghề của người dân nơi đây. Sự tồn tại và phát triển của nghề làm mắm là minh chứng của lòng yêu nước, yêu truyền thống, văn hóa Việt.
Thông thường, vào đầu tháng 2 đến tháng 10 dương lịch hằng năm, bà con trong xã ra những cánh đồng cói bạt ngàn để đánh bắt cáy. Cáy được bà con rửa sạch và chế biến ra nhiều món khác nhau; điển hình như món canh cáy, cáy rang muối, cáy rang me, cáy kho lá chanh… Đặc biệt người dân xã Quảng Phúc đã dùng con cáy chế biến thành món mắm cáy để chấm các món rau, củ, quả, thịt luộc và làm nước chấm bún, nem rán…
Theo người dân nơi đây, thịt cáy ngọt và có tính lành, không gây dị ứng đối với những người mẫn cảm với hải sản. Để làm món mắm cáy ngon, chất lượng, người làm mắm phải thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Con cáy chọn làm mắm phải to, đang còn tươi sống, bóc yếm, rửa sạch, để ráo nước và trộn với muối theo tỷ lệ phù hợp và công đoạn ủ mắm cũng phải đúng nhiệt độ, thời gian thì mắm cáy mới giữ được vị thơm mát, ngọt nhẹ và màu sắc.
Với mục tiêu phát triển sản phẩm mắm cáy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng mục tiêu phát triển của HTX Quảng Phúc là đưa các loại máy móc kỹ thuật vào phục vụ quá trình bảo quản, chế biến, sản xuất. Mở rộng thêm quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để tạo ra những mặt hàng đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Khách hàng đang công tác tại Hàn Quốc đến cơ sở để đặt mua sản phẩm mắm cáy.
Trong những năm qua, mắm cáy Quảng Phúc đã được sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường và được nhiều khách hàng tin tưởng, ưa chuộng. Trong 2 năm 2019-2020, HTX Quảng Phúc bán ra ngoài thị trường 35.000 lít, bình quân giá bán 180.000 đồng/lít, tổng giá trị ước tính hơn 6,3 tỷ đồng. Đặc biệt, mắm cáy Quảng Phúc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021.
Ông Lê Văn Bằng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phúc cho biết: Xuất phát từ cái tâm của người nông dân gắn bó với vùng quê nghèo muốn vươn lên bằng chính tiềm năng của vùng đất ven sông, tôi đã mạnh dạn đầu tư vay vốn mua nguyên liệu, đầu tư máy móc nhà xưởng, kho lạnh, cùng với HTX tiến hành sản xuất mắm cáy theo tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, sản phẩm đước được nhiều thị trường ưa chuộng và đặt hàng như: Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội… góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Phát huy thế mạnh của nghề truyền thống chiếu cói
Bên cạnh mắm cáy, không thể không nhắc đến nghề dệt chiếu cói truyền thống, nổi tiếng tại Quảng Phúc.
Hiện nay, toàn xã có 367,85 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các thôn Liên Sơn, Văn Giáo, Ngọc Bình, Ngọc Nhị và Ngọc Đới. Sản lượng cói đạt khoảng gần 6.000 tấn/năm. Cây cói được người dân thâm canh từ 2 đến 3 vụ/năm. Với giá bán dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, nông dân thu lãi 140 – 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động nông thôn.
Cơ sở sản xuất chiếu cói tại xã Quảng Phúc.
Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, những năm qua xã Quảng Phúc đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Đến nay, toàn xã Quảng Phúc đã phát triển được trên 200 máy dệt chiếu, với công suất mỗi máy dệt được khoảng 30 đến 35 đôi/ngày, cao gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Nghề dệt chiếu của xã Quảng Phúc không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động địa phương với mức lương từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã đầu tư nhà xưởng, máy móc chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như: chiếu in màu, in hoa, chiếu đặt… Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng, chiếu cói Quảng Phúc không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TPHCM, Hưng Yên…
Nghề làm chiếu cói tại các hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Phúc.
Cuối năm 2020 xã Quảng Phúc đã thành lập Hợp tác xã chiếu cói với 398 hộ tham gia, với mục tiêu đưa nghề dệt chiếu cói trở thành mũi nhọn đột phá trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, Hợp tác xã còn đứng ra cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết sản xuất, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho hội viên HTX. Hiệu quả kinh tế từ nghề dệt chiếu truyền thống đã đang góp phần làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của địa phương. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Quảng Phúc ước đạt 50 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,09%.
Theo ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc: Nhiều năm trở lại đây, để duy trì và phát triển nghề, người dân xã Quảng Phúc đã mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, không chỉ thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh, chiếu cói Quảng Phúc còn được xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Để nghề dệt chiếu cói giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Quảng Phúc đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc; bên cạnh công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật dệt chiếu, HTX còn hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu