Hà Nội: Nở rộ trào lưu tham quan di tích lịch sử của giới trẻ

Tạp chí Biển Việt Nam - Nhờ không gian nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hoá - lịch sử và tính lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội cùng sự phát triển của công nghệ, nhiều địa điểm lịch sử Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong thời gian gần đây.

Thủ đô Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều ký ức lịch sử Việt Nam, tập trung các di tích có sắc màu hoài cổ. Trước đó, hầu hết địa điểm văn hoá lịch sử dần đi vào quên lãng, không thu hút được công chúng đến và tham quan. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là xu hướng xem video ngắn, nhà sáng tạo nội dung đã hướng đông đảo bạn trẻ đến trải nghiệm các điểm tham quan lịch sử tại Hà Nội.

“Làm mới” cách tiép cận ký ức lịch sử

Thông thường, khi nhắc đến di tích lịch sử giới trẻ thường gắn với những kiến thức khô khan từng được học trên giảng đường. Tuy nhiên, nhiều nhà sáng tạo nội dung đã dùng mạng xã hội trở thành công cụ giúp kiến thức lịch sử trở nên thật gần gũi với các bạn học sinh, sinh viên. Điều này được thấy rõ trong việc tiếp cận và truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà fanpage “Di tích Nhà tù Hoả Lò – Hoa Lo Prison Relic” đang sử dụng.

Trang chủ di tích nhà tù Hoả Lò đã và đang thu hút được rất nhiều tương tác chia sẻ của đông đảo bạn trẻ bởi nội dung thú vị, lồng ghép kiến thức lịch sử tinh tế và xây dựng nhiều hoạt động khiến người trẻ tò mò, hứng thú. Trang facebook của di tích giống như một hiện tượng mạng xã hội, bắt kịp xu hướng của giới trẻ và được cư dân mạng thích thú, hưởng ứng hoạt động.

Di tích còn đưa ra nhiều hình thức tham quan sáng tạo như có kênh Podcast, không gian trưng bày online,…giúp cho nhiều người chủ động, linh hoạt hơn nếu yêu thích Hoả Lò.

 

Nhiều du khách nước ngoài hào hứng khi đến với Hoả Lò. Ảnh: Fanpage “Di tích Nhà tù Hoả Lò – Hoa Lo Prison Relic”.

Ngoài thu hút truyền thông trên mạng xã hội, di tích nhà tù Hoả Lò đã đi sâu vào nhận thức của thanh thiếu niên từ những ngày còn đi học, qua người thân thiết gần gũi với mình nhất. Bạn Thanh Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mình biết tới nhà tù Hoả Lò từ rất lâu rồi, qua ông bà và người thân trong nhà. Tuy nhiên tại thời điểm nghe kể từ ông bà, mình chưa có cơ hội được ghé thăm. Và rất may sau đó, mình có dịp được đến thăm lần đầu tiên đó là khi được đi kết nạp Đoàn viên, cùng với thầy cô cùng các bạn trong trường.”

“Mình cảm thấy không khí thực sự rất linh thiêng, bản thân được kết nạp Đoàn ở một nơi mang dấu ấn ý nghĩa về lịch sử, thậm chí là văn hoá. Ngay lúc đó mình tự nhủ bản thân phải cố gắng thật nhiều.”, Hà chia sẻ thêm.

Khi nhắc tới fanpage trên mạng xã hội Facebook của di tích nhà tù Hoả Lò, Thanh Hà rất hào hứng: “Các bài viết không giống với các trang lịch sử khác. Lịch sử đối với nhiều bạn học sinh là một điều gì đó khá khô khan. Ban đầu khi nghe đến fanpage, thực sự mình nghĩ mục đích là để giới thiệu di tích, giới thiệu vật dụng đơn giản. Tuy nhiên sau khi theo dõi, mình nhận thấy càng ngày số lượng quản trị viên trẻ của trang ngày càng nhiều, vì thế mà các bạn đó biết cách lên các bài viết phù hợp với xu hướng chúng mình muốn đọc, muốn tiếp cận đến, giới thiệu điều mình muốn tìm hiểu.”

Không chỉ vậy, Thanh Hà mong muốn đem đến làn sóng mới khiến giới trẻ tiếp thu lịch sử nhiều hơn, đến với di tích nhiều hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ về mảng truyền thông của di tích trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo bạn Quỳnh Anh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến bài viết ngắn, tạo ra xu hướng nhưng vẫn đảm bảo lượng thông tin hữu ích thôi thúc độc giả tiếp tục tìm hiểu. Vì vậy, dù trước đó đã từng đến Hoả Lò trong dịp tham quan do trường tổ chức, sau này Quỳnh Anh lại ghé thăm để tìm hiểu sâu thêm về di tích qua tranh ảnh trưng bày.

Thanh Hà (trái) và Quỳnh Anh (phải) có nhiều góc nhìn thú vị về truyền thông di tích.

Đưa lịch sử đến gần với người trẻ nhờ “xu hướng”

Cũng chính nhờ xu hướng xem các dạng thước phim ngắn, mạng xã hội TikTok là nơi giúp các bạn chia sẻ những địa điểm, trải nghiệm mới đến đông đảo người dùng. Không quá khó khi bắt gặp nhiều bạn dậy sớm, chuẩn bị quần áo để dự lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được thu ngắn lại trong vỏn vẹn vài chục giây trên nền tảng TikTok. Nhiều bạn trẻ rất hưởng ứng lễ thượng cờ, hạ cờ bởi đây không chỉ là khoảnh khắc thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam mà còn giúp hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc trên mảnh đất quảng trường Ba Đình lịch sử.

Nhiều người chia sẻ rằng, nếu ngày thường phải dậy sớm đi làm, đi học thì cuối tuần thay vì dành trọn vẹn thời gian để nghỉ ngơi, các bạn chọn đến với lễ thượng cờ, trải nghiệm cảm giác tuyệt vời và trọn vẹn giữa không khí sáng sớm tại Hà Nội.

Chúng ta không quá khó để bắt gặp những thước phim trên TikTok giới trẻ rủ nhau cùng đi xem thượng cờ với rất nhiều lượt xem, lượt tương tác, chia sẻ.

Các video trên TikTok thu hút người xem về trải nghiệm đi xem thượng cờ.

Đa số bạn trẻ đều có cảm xúc là tự hào, xúc động khi chứng kiến buổi lễ thượng cờ. Tuy chỉ là hoạt động hằng ngày diễn ra tại lăng Bác nhưng khi đến tận nơi nhìn ngắm lá cờ tung bay giữa thời tiết se se lạnh của mùa đông, những người trẻ không hề ngần ngại chia sẻ lòng yêu nước, tâm trạng bồi hồi sâu sắc.

Bạn Trần Diễm Quỳnh (quận Tây Hồ, Tp Hà Nội) cảm thấy bài đăng trên mạng xã hội về lễ thượng cờ có nội dung hay, khá bổ ích và thích thú với thông tin đó. Nếu chỉ tính riêng nội dung chia sẻ không khí, hướng dẫn di chuyển tới lăng Bác, không quá chú trọng đến chất lượng hình ảnh thì thực sự giúp ích trong việc sẵn sàng tham gia cùng hội bạn thân.

Diễm Quỳnh đề cao nội dung về bài đăng trên mạng xã hội.

Dù là lần đầu tiên tham gia lễ thượng cờ, bạn Thương (quận Hà Đông) vui vì được nhìn thấy lá cờ to như vậy. Đặc biệt, bạn chia sẻ rằng khi bắt gặp các clip ngắn trên TikTok nói về nghi lễ thiêng liêng, “mình muốn bay đến đây để xem luôn”, đan xen giữa tâm trạng tò mò và háo hức.

Mạng xã hội đang làm tốt vai trò trở thành công cụ hiệu quả để lan toả những thông điệp, kiến thức về di tích lịch sử, văn hoá nghệ thuật đến với các bạn trẻ. Nhờ đó giới trẻ có thiên hướng tự tìm hiểu, tự khám phá và tự nâng cao giá trị văn hoá lịch sử Việt Nam.

Nguyên Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu