Vận dụng bài học kinh nghiệm từ chiến công Chống phong toả sông, biển miền Bắc vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân

Tạp chí Biển Việt Nam - 50 năm đã trôi qua, nhưng chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc của quân và dân ta vẫn còn vang vọng mãi; tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển trong mọi hoạt động của bộ đội Hải quân, trong đó có công tác giáo dục - đào tạo của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân nhằm góp phần đào tạo, cung cấp những quân nhân, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh và cho thả hàng vạn quả thủy lôi và bom từ trường xuống các cửa sông, cửa biển, các bến cảng của miền Bắc, nhằm triệt phá tiềm lực kinh tế, quân sự của ta; phong tỏa sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; ngăn cản sự viện trợ của bạn bè quốc tế cho Việt Nam; đồng thời, bao vây, cô lập, làm nhụt ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Mỹ sử dụng máy bay thả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa sông, biển miền Bắc nước ta.

Trong quá trình phong tỏa, Mỹ còn cho máy bay, tàu chiến đêm ngày lùng sục, đánh phá liên tục các khu vực trọng điểm, trạm quan sát, gây khó khăn cho ta trong việc phát hiện, xác định vị trí và thực hiện rà phá, tháo gỡ. Song với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, quân và dân ta, nòng cốt là lực lượng Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc: Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu, chế tạo các thiết bị và đưa ra nhiều giải pháp rà phá, tháo gỡ và làm vô hiệu hóa hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, mở tuyến, thông luồng thắng lợi, đảm bảo nối liền mạch máu giao thông phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh ở miền Bắc, tiếp nhận nguồn hỗ trợ của các nước phe xã hội chủ nghĩa cho cách mạng nước ta, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân và tài thao lược trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng; sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Đó còn là thắng lợi của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng; của tư tưởng dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng của quân và dân ta, góp phần cùng quân và dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh, làm nên kỳ tích của chiến công chống phong tỏa sông, biển miền Bắc, song yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng chính là “sức mạnh chính trị tinh thần”. Sức mạnh đó được kết tinh trong mỗi cán bộ, chiến sỹ, trở thành một động lực thôi thúc họ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, dũng cảm, gan dạ, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Có thể thấy, trong những tháng năm gian khổ, ác liệt đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Quân ủy Trung ương đến các cấp ủy cơ sở đã tiến hành công tác giáo dục chính trị, công tác lãnh đạo tư tưởng một cách thường xuyên và liên tục, làm cho mọi quân nhân quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng; nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ chống phong tỏa của địch trên sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường, thấy rõ ý nghĩa chiến lược của việc bảo đảm mạch máu giao thông đường thuỷ đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam; động viên bộ đội nêu cao quyết tâm, ý thức trách nhiệm, phát huy cao độ năng lực trí tuệ và sự sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với Hải quân Nhân dân Việt Nam; nhất là về điều kiện tác chiến trên biển khắc nghiệt, đối tượng tác chiến có tiềm lực kinh tế, quân sự và trình độ khoa học công nghệ lớn mạnh hơn nhiều lần. Vì vậy, lực lượng Hải quân cần có những quân nhân, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới.

Dạy học trên thiết bị mô phỏng tại phòng thực hành, Trường CĐKT Hải quân.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân là cơ sở đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội và Quân chủng Hải quân. Với mục tiêu đào tạo quân nhân chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có kỷ luật tốt, có sức khỏe dẻo dai, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Vận dụng những bài học kinh nghiệm của hoạt động tác chiến chống phong tỏa trên sông, biển miền Bắc năm xưa có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân. Theo đó, Nhà trường tập trung vào một số nội dung, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đẩy mạnh hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp dạy học, bám sát phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Tích cực nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học vào giảng dạy, nhất là các đề tài về lịch sử quân sự, nghệ thuật quân sự, hoạt động tác chiến trên chiến trường sông, biển; tăng cường giáo dục truyền thống, kỹ năng cho giảng viên, học viên; mời cán bộ ở các đơn vị chiến đấu trong về truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn tại Nhà trường.

Thứ hai, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu cho toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ mọi lúc, mọi nơi, gắn liền với mọi hoạt động, nhằm giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng yêu nước, danh dự và khát khao công hiến cho Tổ quốc. Chuyển hóa bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu thành suy nghĩ và hành động, thành niềm tin chiến thắng trước những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù; nhận thức rõ đối tác, đối tượng đấu tranh trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hóa giải và xử trí hợp lý trước những diễn biến, tình huống phức tạp khi phải đối mặt trước những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, bảo đảm đúng lập trường, quan điểm, đối sách của ta; đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng; xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ – người Chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

Thứ ba, thường xuyên tiến hành có nền nếp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu cho tất cả các đối tượng, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, bảo đảm sau khi các đồng chí học viên tốt nghiệp ra trường, về công tác ở các đơn vị trong Quân đội, Quân chủng luôn phát huy cao độ trí tuệ, khả năng sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, lấy mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ là trên hết, vì mục tiêu, lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng là bất khả xâm phạm.

Thứ tư, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu được tiến hành thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đến đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường. Tích cực tổ chức các phong trào thi đua với nội dung sinh động, vừa cổ vũ, động viên; vừa hướng dẫn hành động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt chú trọng tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, những cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nỗ lực quyết tâm, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Lương Đức Khanh - Chính uỷ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu