Mưa lớn trên diện rộng kéo dài khiến một số tỉnh miền Trung ngập cục bộ, học sinh phải nghỉ học

Tạp chí Biển Việt Nam - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thời tiết (ngày 13, 14/10) khu vực miền Trung phải hứng chịu những trận mưa lớn như trút nước. cảnh báo nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh đó, trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, nhiều khu vực tại miền Trung từ nam Nghệ An đến Quảng Nam bước vào cao điểm của đợt mưa lớn trên diện rộng, cần đề phòng lũ quét, sạt lở tại các khu vực miền núi của miền Trung.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừ Thiên Huế kiểm tra tình hình mưa lũ ở Huyện Phong Điền

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã ban hành Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND các tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố; các lực lượng, cơ quan, sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ (chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ đang mang thai, người già yếu,…). Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao….
Nhiều nơi ở hạ lưu sông Ô Lâu của huyện Phong Điền bị ngập sâu ( Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)
Tại Huế: Theo Bản tin số MLDR-13/03h30/DBQG ngày 13/10/2023 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia dự báo từ ngày 13 đến ngày 14/10 tại khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, tổng lượng mưa cả đợt phố biến từ 200-400mm, có nơi trên 700mm; giai đoạn từ ngày 15/10 đến ngày 16/10 có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 500mm; sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp.
Tại Quảng Trị: Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 24 giờ qua khu vực tỉnh Quảng Trị đã có mưa, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to; lượng mưa từ 11h ngày 09/10 đến 11h ngày 10/10/2023 vùng núi và vùng đồng bằng, trung du phía Bắc phổ biến từ 30-35 mm; vùng đồng bằng và trung du phía Nam tỉnh lượng mưa phổ biến 80 – 100 mm. Dự báo từ ngày 11-13/10 khu vực tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; tổng lượng mưa toàn đợt dự báo 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo từ ngày 14-20/10 mưa lớn tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Mưa lớn một số trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ngập nước khiến học sinh phải nghỉ học
Tại Quảng Bình: Chiều ngày 13/10/203, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trước mùa mưa bão năm 2023 do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì. Dự hội nghị có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và PCTT kiêm phòng thủ dân sự tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Bình chịu ảnh hưởng hoàn lưu 02 áp thấp nhiệt đới gây mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa giông, lốc xoáy làm hư hỏng, gãy đổ gần 13.600 ha lúa, 90 ha hoa màu, tốc mái 130 ngôi nhà; giông, sét làm hư hỏng nhiều thiết bị chuyên dùng của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Bình. Ước tính thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có các đợt mưa, lũ lớn, tuy nhiên những đợt mưa lũ tháng 9 vừa qua đã làm 28 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều hộ dân phải di dời, các khu vực bị chia cắt, một số tuyến đường bị sạt lở. Hiện nay, toàn tỉnh có 85 điểm sạt lở núi với 1.116 hộ dân, 3.625 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó, 08 điểm nguy cơ cao; có 25 khu vực sạt lở bờ sông, biển với tổng chiều dài 53 km, 05 điểm đặc biệt nguy hiểm cần khắc phục khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 08 km; 34 vị trí ngầm tràn thường xuyên ngập lụt khi có mưa lớn. Mực nước trung bình của 153 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 58% dung tích thiết kế, dự báo đến ngày 20/10 dung tích các hồ chứa sẽ tăng từ 15 – 20%, một số hồ sẽ đầy nước. Đối với các đập, hồ chứa, tuyến đê, kè sông đang nâng cấp, sửa chữa đã hoàn thành những hạng mục trọng yếu và đến điểm dừng kỹ thuật đảm bảo an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh: Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 14/10, khu vực từ nam Nghệ An đến Quảng Nam sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 700mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng vùng trũng thấp trũng. Trên các sông ở khu vực Hà Tình có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2.
Tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Ảnh: BHT)
Dự báo sau ngày 17/10, mưa lớn còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Tại Nghệ An: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 13-15/10, ở Nghệ An có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm và còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhân dân và nhà nước, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS) đã ký ban hành Công điện số 30/CD-UBND về việc tập chủ động ứng phó mưa lũ. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu