Gương phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và kết nối thành công

Tạp chí Biển Việt Nam - Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, chị Đoàn Thị Thành (SN 1981) - Hội viên phụ nữ khu phố 2, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành - đang có việc làm và thu nhập ổn định từ công việc kế toán cho một số công ty Việt Nam và nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2015, dù đang có công việc với mức thu nhập ổn định nhưng chị Đoàn Thị Thành đã quyết định bước sang ngã rẽ khác, quay về với nghề đan móc thủ công truyền thống. Với mong muốn khôi phục lại nghề đan móc thủ công khi mà nghề đan móc thủ công đang dần bị mai một theo thời gian bởi các sản phẩm, phụ kiện thời trang trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú. Chưa kể nhiều chị em phụ nữ với tư tưởng “sính ngoại”, chuộng hàng hiệu, đồ da nên những túi xách, phụ kiện sản phẩm thủ công dần bị lãng quên. Và nghề ấy cũng đã gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của mình. Những năm tháng chị đã được chính người mẹ kính yêu hướng dẫn, tỉ mỉ, dạy con đan từng đường kim, mũi chỉ.

Nghĩ về mẹ với tình yêu thương vô bờ bến, nghĩ về nghề truyền thống của ông cha để lại, bao đêm chị trăn trở: “Sao mình có tay nghề mà không khôi phục và lưu giữ? Tại sao mình không mạnh dạn giới thiệu sản phẩm handmade của Việt Nam đến bạn bè các nước trong khi Việt Nam đang hội nhập nền kinh tế thế giới? Mình có thể làm được gì để lưu giữ ngành nghề truyền thống của cha ông mà vẫn có thu nhập, vẫn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, yếu thế mà các công ty xí nghiệp khác họ không tuyển dụng?…

Nghĩ là làm, chị đã quyết định nghỉ việc, rời xa thành phố hoa lệ để trở về quê quay trở lại với nghề đan móc len!

Những năm tháng đầu tiên vô cùng vất vả. Bởi chị không rủ được người cùng sở thích và ai cũng muốn đi làm công nhân. Còn chị em yếu thế lại đi bán vé số hoặc các công việc làm thuê khác chứ họ không thích ngồi cả ngày, gò bó, tỉ mỉ và phần lớn họ không kiên nhẫn nên khi chị đặt vấn đề hầu hết mọi người đều từ chối.

Mặc dù vậy chị vẫn không nản lòng mà tự làm một mình và bán lẻ. Nhưng thu nhập chẳng được là bao. Mùa trung thu đầu tiên sau khi nghỉ việc cũng là giai đoạn chị đang nuôi hai con gái nhỏ (do chị sinh đôi), lúc này chị nảy sinh ý tưởng làm lồng đèn bằng len với ý định làm cho con chơi. Nhưng thật may mắn, nhiều người biết đến lồng đèn chị làm nên đã đặt chị làm thêm để giúp chị kiếm tiền mua sữa cho con.

Những ngày gian nan đó, biết mình đang sống thời công nghệ thông tin, chị đã nghĩ và tìm ngay đến vị “cứu tinh” cho mình đó là các trang mạng xã hội như: Google, YouTube, Facebook, Zalo… để tìm hiểu về nghề đan móc len.

Cũng chính từ đó chị đã biết các hội đan móc len ở Việt Nam và nước ngoài. Chị đã mạnh dạn tham gia hội nhóm và tập đan những sản phẩm đơn giản như: áo, vớ tay, vớ chân, nón bằng len, đèn lồng trung thu cho các con và đăng lên các hội nhóm. Không ngờ sản phẩm của chị được khách hàng và chị em trong hội nhóm nhiệt tình đón nhận.

Như được truyền lửa khi vào được hội nhóm, chị có cơ hội biết thêm các sản phẩm mới lạ như: túi móc thủ công, bình hoa, chậu cảnh được móc bằng len,… rồi đăng ký học online. Cũng từ đó chị đã thuyết phục và tuyển thêm được một số chị em cùng làm. Chị đã động viên chị em ráng theo nghề vì chính công việc này đã rèn cho chị em tính kiên nhẫn, giảm stress sau sinh với áp lực của cuộc sống, tự do phát huy tính sáng tạo mà không phải ngành nghề nào cũng có được. Và nếu chị em cùng chung tay thì còn mang ý nghĩa hơn khi mỗi chị em đã góp phần nhỏ bé của mình khôi phục ngành nghề truyền thống. Những sản phẩm sẽ góp phần bảo vệ môi trường, biến những vật dụng thông thường thành những mặt hàng có giá trị, thân thiện với môi trường, không dùng sản phẩm sản xuất từ da động vật để bảo tồn động vật hoang dã. Đồng thời đồng hành, hưởng ứng phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Giúp cuộc sống ổn định hơn nếu siêng năng chăm chỉ làm việc.

Dần dần chị đã thuyết phục được các chị em và tay nghề được nâng lên. Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, thẩm mỹ, cẩn thận, các chị đã gửi hồn mình vào từng sản phẩm tạo nên sự tinh tế thu hút khách hàng và được xếp vào những shop bán hàng trực tuyến có sản phẩm đẹp, được khách hàng biết đến nhiều hơn. Đặc biệt mùa trung thu, chị đã dành thời gian coi các bộ phim hoạt hình mới nhất để có thể biến hoá những chiếc lồng đèn xinh xắn thành những hình dạng các con vật trong phim hoạt hình. Điều đó đã thu hút các khách hàng nhí và mùa trung thu vừa qua chị đã tiêu thụ hết các sản phẩm lồng đèn.

Thường trực HLHPN Thị xã Chơn Thành Tỉnh Bình Phước tặng hoa chúc mừng khai trương showroom Cẩm Tú Handmade Bag & Accessories.

Với sự kiên nhẫn, tinh thần quyết tâm theo nghề đến nay đã 7 năm, chị được Hội LHPN thị xã hỗ trợ hoàn thành hồ sơ thành lập Công ty TNHH SX TM DV Cẩm Tú và tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức. Đồng thời giới thiệu chị tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp, các lớp tập huấn do tỉnh Hội và Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức, tham gia trưng bày sản phẩm tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư TP.HCM và Bình Dương. Bước đầu đã được một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Chị được đưa tin trên báo Thanh Niên và trên chương trình “Ngôi nhà khởi nghiệp” do Đài phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước thực hiện.

Showroom Cẩm Tú Handmade Bag & Accessories.
Khách hàng tham quan mua sắm tai showroom Cẩm Tú Handmade Bag & Accessories.

Không chỉ là một HVPN mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, biết áp dụng công nghệ số để thực hiện ước mơ giản dị của mình nhưng vô cùng ý nghĩa là khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống, chị còn là thành viên tích cực của câu lạc bộ “Lan tỏa yêu thương” thuộc Hội LHPN thị xã Chơn Thành. Đặc biệt trong gần 2 năm chống dịch Covid-19, chị đã cùng nhóm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Tự tay chị nấu hàng trăm ly trà đào, cam sả, trà sữa, nước ép, cà phê sữa… để gửi tới đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, chị còn tặng hàng trăm phần quà cho bà con vùng dịch.

Chị tâm sự: “Mình rất vui khi bước đầu khởi nghiệp thành công. Trong thời gian tới mình sẽ mở các lớp dạy nghề đan móc miễn phí cho các chị em phụ nữ yếu thế, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và nhận các chị em vào làm trong công ty nếu có nhu cầu, hoặc sau khi ra nghề các chị tự làm ở nhà, và mình sẽ thu mua sản phầm. Ngoài ra, công ty còn thành lập “Quỹ hỗ trợ Hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” mang tên Bình Minh và trích 5% doanh thu hàng năm để hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.”.

Hy vọng với tinh thần quyết tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của chị Đoàn Thị Thành – Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Cẩm Tú, chủ showroom Cẩm Tú Handmade Bag & Accessories – sẽ là tấm gương tạo sức lan tỏa giúp chị em hội viên phụ nữ cả nước nói chung và chị em hội viên phụ nữ trong toàn thị xã Chơn Thành nói riêng, sẽ tự tin khởi nghiệp và mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh phù hợp với sự phát triển trong thời kỳ cách mạng công nhiệp 4.0. Đồng thời khẳng định năng lực và vị thế của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Một số sản phẩm của chị Đoàn Thị Thành.

Website showroom Cẩm Tú Handmade Bag & Accessories: http://longdenlensoi.com/

*Handmade: là các sản phẩm được làm thủ công bằng tay, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo của người làm kết hợp với nhiều vật liệu khác nhau để có được sản phẩm ưng ý. Khác với các sản phẩm sản xuất theo dạng công nghiệp, mỗi đồ handmade lại có sự khác biệt nhất định không sản phẩm nào giống sản phẩm nào và đều có vẻ đẹp rất riêng của nó.

Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu