20 năm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (5/7/2003 – 5/7/2023)

Kỳ 4: Kinh nghiệm từ trong khó khăn

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong chặng đường 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, có không ít lúc thăng trầm gập ghềnh; nhưng từ trong khó khăn, lại đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để tiếp tục xây dựng nên một thương hiệu lớn hơn.

Danh thắng động Phong Nha. (Ảnh: VQG)

Đối mặt với nhiều thách thức

Theo đánh giá của Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG), Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, nguy cơ sạt lở, ngập úng vào mùa mưa cao nên công tác tuần tra, bảo vệ rất khó khăn phức tạp. Đói nghèo, lạc hậu và tập quán sinh sống của người dân vùng đệm VQG đã ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý và bảo tồn di sản. Tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã vẫn còn xảy ra, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn còn phức tạp, nhu cầu tiêu thụ lâm sản (đặc biệt là gỗ và động vật rừng) vẫn còn rất lớn, tình trạng tàng trữ súng tự chế vẫn còn. Các đối tượng vi phạm pháp luật ngày một tinh vi, nhiều thủ đoạn, liều lĩnh, hung hãn hơn, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, xử lý.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn vẫn chưa được duy trì một cách thường xuyên và sâu rộng đến tất cả người dân vùng đệm. Công tác phối hợp giữa BQL với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, chưa được chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Công tác quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường đô thị khu vực trung tâm Phong Nha chưa được quan tâm đúng mức; công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ động vật hoang dã chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn di sản. Chưa chủ động trong hợp tác quốc tế, thu hút các dự án quốc tế hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn và phát triển.

Việc phát triển du lịch cũng chưa ngang tầm của một khu Di sản thế giới; công tác phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ, tuyên truyền, quảng bá chưa mạnh, chưa khắc phục tính mùa vụ; việc thẩm định và phê duyệt đề án một số tuyến du lịch trên địa bàn VQG còn chậm.

Du khách thám hiểm hệ thống hang động kỳ vĩ ở Phong Nha – Kẻ Bàng. (Ảnh: VQG)

Ngoài ra, cơ chế, chính sách Nhà nước còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn bất cập dẫn đến có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Lực lượng kiểm lâm mỏng, thiếu biên chế so với quy định, bên cạnh đó kiểm lâm VQG vẫn là viên chức nên bị hạn chế về thẩm quyền thực thi nhiệm vụ và thiệt thòi các quyền lợi liên quan. Đời sống một bộ phận cán bộ, nhân viên trong BQL còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện ăn ở sinh hoạt của cán bộ kiểm lâm ở các chốt vẫn còn thiếu thốn; các loại máy móc, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ… phục vụ cho công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu và chất lượng, hiệu suất sử dụng còn thấp. Kinh phí bảo vệ rừng và hỗ trợ thôn bản còn chưa đáp ứng với nhu cầu.

Một trở ngại nữa là biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, khô hạn, bão siêu cấp đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng và điều kiện sinh tồn của các loài hoang dã; đồng thời tạo điều kiện cho các loài ngoại lai xâm hại phát triển mạnh, xâm lấn phá vỡ cấu trúc rừng tự nhiên và mất rừng.

Thế nhưng từ khi thành lập và được công nhận Di sản cho đến nay, BQL VQG luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương liên quan. Và sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, phấn đấu của công chức, viên chức, lao động nên công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản VQG đã có những bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

20 năm kể từ ngày được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu, nay Phong Nha – Kẻ Bàng đã có nhiều thay đổi, phát triển. (Ảnh: VQG)

Danh hiệu 2 lần là Di sản thiên nhiên thế giới ngày càng được lan tỏa làm cho vai trò, vị thế VQG Phong Nha – Kẻ Bàng không ngừng được nâng cao; đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Với những nỗ lực và cố gắng trong 20 năm qua, BQL VQG đã được tặng nhiều danh hiệu quan trọng, như: Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN-MT, giấy khen của UNESCO, nhiều năm được UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua… và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Những bài học quý báu

Từ thực tiễn hai chục năm qua, các thế hệ cán bộ của VQG đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để cùng nhìn nhận, phấn đấu. Nó không chỉ có giá trị tại Phong Nha – Kẻ Bàng mà có thể áp dụng cho nhiều nơi về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thứ nhất, bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh trong quá trình triển khai nhiệm vụ; vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa thành kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thứ hai, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Cần xây dựng đội ngũ kiểm lâm vững mạnh về tư tưởng và nghiệp vụ; áp dụng các tiến bộ khoa học vào tuần tra, bảo vệ rừng; kịp thời nắm bắt các thông tin, đối tượng trong cộng đồng.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác, nhằm phát huy những nỗ lực, cố gắng. (Ảnh: VQG)

Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là một giải pháp quan trọng, làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị VQG.

Thứ tư, tích cực đa dạng hóa các loại hình du lịch, xác định du lịch là cơ hội, động lực để phát triển bền vững; cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và các hoạt động hỗ trợ sinh kế, các hoạt động khoán bảo vệ rừng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên VQG.

Thứ năm, xã hội hóa công tác bảo tồn, phát triển; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ rừng; phát huy vai trò của chính quyền địa phương các xã vùng đệm trong thực thi pháp luật và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng; các sở, ban ngành liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về mọi mặt: nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, mua sắm các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng… để tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ai cũng mong một lần được đặt chân đến hệ thống hang động, cảnh quan kỳ vĩ tại Phong Nha – Kẻ Bàng. (Ảnh: VQG)

Thứ bảy, xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý Di sản và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cho việc thực hiện đúng những cam kết đối với thế giới trong việc bảo tồn di sản; đồng thời xác định đúng hướng phát triển cho di sản. BQL vườn đã chủ động xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý dựa trên Công ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và luôn kịp thời thông tin, báo cáo trả lời những yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về những tác động liên quan đến việc bảo tồn di sản.

Kinh nghiệm cuối cùng, theo Giám đốc BQL Phạm Hồng Thái: đó là nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chuyên môn, đoàn thể, gắn với nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, lao động; tăng cường, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời có các chính sách, giải pháp giữ chân người giỏi, người có chuyên môn cao, cũng như nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công tác tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để yên tâm cống hiến lâu dài cho đơn vị. (còn tiếp)

Ngọc Vinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu