20 năm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (5/7/2003 – 5/7/2023)

Kỳ 3: Vai trò chủ nhân của di sản

Tạp chí Biển Việt Nam - Như 2 bài trước đã đề cập, công tác quản lý bảo vệ rừng, nghiên cứu, bảo tồn cũng như hoạt động du lịch và phát huy các giá trị di sản Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã đạt nhiều kết quả tốt, mang tầm vóc quốc tế. Và có thể nói, trên chặng đường dài vươn mình ra thế giới ấy, thì yếu tố con người giữ tâm thế hạt nhân, kích ứng bệ phóng dẫn đến thành công.

Chú trọng công tác tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng

Mô hình tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (BQL VQG) sau 20 năm đã có những thay đổi, được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Hiện các đơn vị trực thuộc BQL đã có trụ sở làm việc kiên cố riêng và hoạt động tài chính độc lập, mỗi đơn vị đều có xe ô tô riêng phục vụ công việc; các đơn vị đều có bếp ăn, nhà ở tập thể cho cán bộ ở xa. Một số cán bộ ở xa đã có phương tiện đưa đón đi lại làm việc; đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ ngày càng được cải thiện. Góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công việc.

Tròn 20 năm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. (Ảnh: VQG)

Xác định chất lượng cán bộ rất quan trọng nên BQL vườn đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, an ninh quốc phòng cho cán bộ VQG; đáp ứng nhu cầu của công việc, đảm bảo phục vụ tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Kết quả 20 năm, đã cử 22 cán bộ tham gia đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, 58 trung cấp lý luận chính trị, 4 quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, 20 quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, 63 quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và hàng trăm lượt cán bộ tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác.

Cùng với đó, các tổ chức Đảng, đoàn thể được xây dựng và phát triển vững mạnh. Đảng bộ BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hiện có 2 Chi bộ và 2 Đảng bộ bộ phận trực thuộc với tổng số 200 đảng viên.

Ngoài ra, lãnh đạo BQL vườn cho hay, để đảm bảo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững, đơn vị đã quan tâm công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện các quy hoạch có hiệu quả; xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ Di sản thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2021 – 2030; kế hoạch giám sát các loài quan trọng của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; phối hợp xây dựng các kế hoạch chiến lược quản lý giai đoạn 2013 – 2025 Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Xây dựng chiến lược truyền thông VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2014 – 2020…

Hiện nay đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Di sản thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2019 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Cơ sở vật chất tại VQG được quan tâm đầu tư. (Ảnh: VQG)

Công tác xây dựng cơ sở vật chất cũng được BQL quan tâm. Đến nay, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, cứu hộ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và du lịch được đầu tư xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động có hiệu quả. Các hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp. Sau 20 năm, đã đầu tư cho hơn 100 hạng mục với tổng kinh phí đạt trên 248 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng hoàn thiện đã góp phần quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, cứu hộ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Song hành cùng cộng đồng

Thực tế quá trình hình thành, phát triển của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã chứng minh một điều: sự đồng hành của cộng đồng dân cư trong khu vực đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Theo lãnh đạo VQG, việc triển khai thực hiện dự án rừng đặc dụng Phong Nha (nay là chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững VQG Phong Nha – Kẻ Bàng) nhằm tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng VQG đã đạt được nhiều kết quả tích cực, rừng được bảo vệ tốt, chất lượng rừng không ngừng được nâng cao, các vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp đã hạn chế và giảm rõ rệt.

Thông qua công tác hỗ trợ cộng đồng của dự án rừng đặc dụng trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng sống tiếp giáp nhằm cải thiện cuộc sống, giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên VQG. Đồng thời phát huy trách nhiệm và ý thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ Di sản thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thông qua việc thực hiện cam kết bảo vệ rừng của cộng đồng.

Thuyền đưa đón du khách tham quan động Phong Nha do người dân địa phương sắm và điều khiển. (Ảnh: VQG)

Một ví dụ điển hình đó là câu chuyện về tộc người A Rem (thuộc dân tộc Chứt) sinh sống ở vùng lõi của VQG. A Rem xem như là tộc người được phát hiện muộn nhất ở Việt Nam và hiện có số hộ, số dân ít nhất so với những tộc người khác trong nhóm như Sách, Mày, Rục, Mã Liềng. A Rem mang nghĩa là rèm đá. Bởi từ ngàn đời trước, tộc người sinh ra, lớn lên và mất đi trong những hang đá hùng vĩ giữa hoang mạc đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. Với một ngách đá thôi cũng đủ trở thành mái nhà cho một gia đình cư ngụ, tránh mưa nắng và thú dữ.

Già làng Đinh Rầu bảo: “Với người A Rem, rừng như một vị thần đầy tôn kính. Người A Rem muốn chặt cây rừng làm nhà, hái cây măng để ăn, xuống suối bắt con cá cũng phải xin mẹ rừng, xin thần linh”.

Thế nên dân bản A Rem được VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tin tưởng giao khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên; trong đó có rừng cây bách xanh quý hiếm trên 500 năm tuổi. Giữ rừng tốt nên diện tích được giao ngày càng tăng lên. Hiện toàn bản được giao giữ 3.200 ha, tương đương tiền công bằng 320 triệu đồng/năm. Hằng năm các hộ sẽ nhận được tiền mặt hoặc gạo tùy theo lựa chọn của bà con. Nếu lấy gạo thì BQL VQG cùng với chính quyền địa phương và dân bản đi tìm chọn gạo mua về phân phát.

Phó giám đốc BQL VQG Đinh Huy Trí cho hay: “Dân bản A Rem rất tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm của Vườn tuần tra, phát hiện, bảo vệ rừng. Bà con có kiến thức bản địa rất tốt nên chúng tôi yên tâm giao rừng cho họ”. Còn ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (H.Bố Trạch) không giấu được niềm vui với việc bảo vệ rừng của bà con. Nhờ đó mà dân bản có thêm cái ăn, cái mặc, duy trì cuộc sống cùng với những hỗ trợ khác từ Đảng, Nhà nước.

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng được bảo tồn tốt nhờ phát huy vai trò cộng đồng. (Ảnh: VQG)

Ngoài ra, một lượng lớn người dân trong khu vực vốn sống bằng nghề khai thác rừng nay đã và đang chuyển dịch sang nghề các nghề dịch vụ, phục vụ du khách.

Đến Phong Nha – Kẻ Bàng giờ cảm giác rõ nhận thức của bà con sống trong VQG đã có sự thay đổi rõ rệt. Du lịch như một luồng gió mới thổi đến xứ sở thiên nhiên kỳ vĩ này, để người dân dang tay đón lấy, nắm bắt cơ hội, trở thành những chủ nhân thực sự của di sản. (còn tiếp)

Ngọc Vinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu