20 năm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (5/7/2003 – 5/7/2023)

Kỳ 1: 20 năm miệt mài giữ rừng di sản

Tạp chí Biển Việt Nam - Lời Tòa soạn: Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được Ủy ban Di sản thế giới - UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003 – 5/7/2023), Tạp chí điện tử Biển Việt Nam khởi đăng loạt bài giới thiệu về những giá trị độc đáo ở nơi này, cũng như những nỗ lực, bí quyết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản… tạo nên một Phong Nha – Kẻ Bàng lẫy lừng năm châu như ngày hôm nay.

Giá trị bên trong hoang mạc đá vôi khổng lồ…

Có thể khẳng định chắc nịch rằng, Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu, mà hiếm nơi nào trên thế giới này có được.
Trước hết, về địa chất – địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng thể hiện các bằng chứng về lịch sử hình thành, kiến tạo của vỏ trái đất với 5 quá trình kiến tạo từ Kỷ Odovic đến Carbon – Permi. Đây là một phần của cao nguyên rộng lớn bị chia cắt, bao gồm khu vực núi đá vôi Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô (Lào). Cao nguyên này là một trong những ví dụ nổi bật, đặc trưng nhất của dạng địa hình núi đá vôi phức hợp ở Đông Nam Á. Kiến tạo núi đá vôi hình thành từ Đại Cổ sinh (cách đây trên 400 triệu năm) và là khu vực núi đá vôi lớn, cổ nhất ở khu vực châu Á.
Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với 425 hang động thuộc 7 khu vực/hệ thống (Phong Nha, Nước Moọc, Vòm, Cha Lo, Tú Làn, Quảng Ninh, Lâm Hóa). Trong đó, động Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động lớn nhất thế giới; đồng thời đã phát hiện một hố sụt Kast sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255 m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á.
Động Phong Nha huyền thoại. (Ảnh: VQG)
Về hệ sinh thái, Phong Nha – Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh, với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích; trong đó, trên 90% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có độ che phủ, tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam.
Đặc biệt, sự tồn tại của quần thể Bách Xanh đá 500 tuổi với diện tích khoảng 4.000 ha, mọc chủ yếu trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600 m, được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Quần thể Bách Xanh đá là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Phong Nha – Kẻ Bàng cũng là nơi chứa đựng giá trị cao về đa dạng sinh học khi ghi nhận 2.953 loài thực vật bậc cao, 1.394 loài động vật; trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ IUCN và có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ, cũng như trong các phụ lục CITES. Hàng chục loài mới cho khoa học cũng đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu vô vàn phong cảnh sơn thủy hữu tình. (Ảnh: VQG)

Dấu ấn xứ rừng xanh

Đến bây giờ, ngồi lại, cán bộ và Nhân dân địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đều có thể tự hào rằng: Phong Nha – Kẻ Bàng đã làm tốt công tác phát triển, bảo vệ rừng. Để bà con bản địa được sống dưới mái nhà màu xanh của đức mẹ thiên nhiên.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, quả quyết: “20 năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại VQG luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đến nay, về cơ bản các giá trị tài nguyên rừng của VQG được quản lý, bảo tồn nguyên vẹn với toàn bộ diện tích 123.326 ha, số lượng và tần suất bắt gặp các loài động vật rừng ngày càng nhiều; đặc biệt là các loài linh trưởng”.
Để cụ thể hóa chủ trương lớn, BQL Vườn luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; thường xuyên thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra linh hoạt, bí mật và kịp thời, đồng thời cương quyết bắt, giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.
Các lực lượng và chuyên gia tổ chức cứu hộ động vật tại vườn. (Ảnh: VQG)
Kết quả 20 năm qua, BQL Vườn đã tổ chức được trên 41.000 đợt tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; phát hiện và tháo gỡ hơn 42.596 sợi dây bẫy, phá hủy hơn 579 lán trại, đẩy đuổi hơn 4.158 lượt người xâm nhập trái phép vào rừng. Phát hiện và ra quyết định xử lý đối với 2.401 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; ra Quyết định khởi tố 19 vụ án hình sự và chuyển hồ sơ 8 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho Cơ quan CSĐT xử lý; chuyển 8 vụ vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Nhằm bảo vệ rừng hiệu quả thì công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cũng được BQL chú trọng và chính thức áp dụng tại Phong Nha – Kẻ Bàng từ năm 2017. Vì thế, trong giai đoạn 2017 – 2022, VQG đã xác định được 37 khu vực biến động rừng. Công tác quản lý ranh giới và mốc ranh giới cũng được tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đảm bảo hiệu quả.
Hằng năm, BQL Vườn chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng ngay từ đầu mùa; tổ chức trực, tuần tra, canh gác, kiểm soát lửa 24/24h tại các khu vực trọng yếu có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong những ngày nắng nóng. Nhờ đó, không để vụ cháy rừng lớn nào xảy ra trong 20 năm qua.
Một điểm đáng chú ý khác đó là BQL Vườn luôn tăng cường công tác phối hợp bảo vệ rừng và thực thi pháp luật với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng liên quan trên địa bàn. Ký cam kết không làm tổn hại đến môi trường Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với 2.000 hộ gia đình ở các thôn gần rừng và 150 văn bản cam kết bảo tồn linh trưởng.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những biện pháp quan trọng và mang tính bền vững, hằng năm, BQL Vườn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và chú trọng triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức như phối hợp với các đơn vị để tổ chức tuyên truyền tập trung, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn bản. BQL còn bắt tay, giao khoán bảo vệ rừng cho bà con dân tộc thiểu số đặc biệt ít người sống vùng biên giới. Bà con giữ rừng và nhận lại tiền hoặc gạo. Số tiền mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó là sinh kế bền vững.
Các hoạt động tuyên truyền luôn được duy trì tổ chức và mang hiệu quả không nhỏ. (Ảnh: VQG)
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức, thái độ của người dân vùng đệm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng của người dân ngày được nâng cao. Góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng khu vực vùng đệm và vùng lõi của VQG.

Bảo tồn trong xu hướng nghiên cứu và hội nhập quốc tế

Ngay từ những năm đầu được thành lập, BQL Vườn đã rất chú trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nên đã xây dựng các khu cứu hộ, khu tái thả động vật hoang dã, vườn thực vật và vườn ươm cây giống bản địa để cứu hộ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm của VQG. Kết quả, BQL Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã, 1.575 kg phong lan; đã thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể. Hiện đang nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã các loài; trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương, tỷ lệ cứu hộ thành công bình quân đạt 85%.
Nhận thức việc nghiên cứu khoa học là nền tảng cơ bản để bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại hạng, BQL Vườn đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo các lĩnh vực như đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, địa chất – hang động, các tác động lên tài nguyên.
BQL Vườn cũng đã xây dựng và hoàn thiện các lớp chuyên đề bản đồ số như thảm thực vật, động vật, thủy văn, văn hóa – xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt, mưa, địa chất, địa hình; xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên. Theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp. Tích cực hợp tác với các đơn vị nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch.
Việc phát triển gắn với bảo tồn làm cho Phong Nha – Kẻ Bàng thêm xanh mát. (Ảnh: VQG)
Về bảo tồn sinh vật, VQG đã tiến hành sản xuất được trên 91.000 cây giống lâm nghiệp thuộc 124 loài; trồng bổ sung trên 11.175 cây rừng để bảo tồn nguồn gen và tạo cảnh quan tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Nổi bật trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài bách xanh đá (Calocedrus rupestris Aver.) 500 tuổi với diện tích khoảng 4.000 ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 600m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn.
Song song với công tác bảo tồn tại chỗ, thì BQL Vườn cũng luôn chú trọng việc kêu gọi hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. Và đã thực hiện thành công 24 chương trình/dự án quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, phối hợp tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí nước ngoài đến hoạt động, quảng bá tại VQG với hơn 567 lượt .
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng luôn chú trọng hợp tác quốc tế. (Ảnh: VQG)
Kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu đã góp phần đưa VQG trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới, không chỉ vì các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động đẹp nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu. (còn tiếp)

Năm 1993: UBND tỉnh Quảng Bình thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha, với diện tích hơn 41.000 ha.

Năm 2001: Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, với diện tích hơn 85.000 ha.

Năm 2003: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tiêu chí viii – giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất địa mạo.

Năm 2009: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Năm 2015: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục được UNESCO bổ sung thêm tiêu chí ix – các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn và tiêu chí x – sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngọc Vinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu