Thanh Hóa: Long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh năm 2022

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng ngày 17/9, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh năm 2022.

Lễ hội nhằm kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi; kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội.
Dự lễ có ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành; đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Tổng cục Du lịch; cùng đông đảo người dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự Lễ hội.
Lễ hội Lam Kinh 2022 diễn ra trong không khí tôn nghiêm, trang trọng với phần rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống; dâng hương tưởng niệm vua Lê Thái Tổ và nghĩa sĩ Lam Sơn. Chương trình nghệ thuật đặc sắc hào khí Lam Sơn trường tồn tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng cùng các tướng sĩ, nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn khai mạc lễ hội.
Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416 tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418), trong không khí thiêng liêng, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy đánh trông khai hội lễ hội Lam Kinh 2022.
Trải qua 10 năm nếm mật nằm gai với bao đau thương mất mát, bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, luôn giành thế chủ động trên các chiến trường. Với chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, buộc giặc Minh phải ký Hội thề Đông Quan… Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, đất nước sạch bóng ngoại bang xâm lược.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã tạo nên một trong những mốc son đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến. Người anh hùng có công đầu vì sự nghiệp vẻ vang ấy là Bình Định vương Lê Lợi, cùng với các tướng sĩ và đồng bào cả nước.
Người dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh về dự lễ hội.
Thanh Hóa đang chủ trương mở cửa du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… nhằm thu hút du khách sau dịch Covid-19. Việc tổ chức lễ hội còn là dịp giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Lam Kinh và các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch khác của tỉnh tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu