Rộn ràng lễ hội

Tạp chí Biển Việt Nam - Nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức đồng thời tại các tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; mang đến không khí tươi vui, nhộn nhịp cho người dân địa phương lẫn du khách gần xa.

Ninh Bình: Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Tối 28/4, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt 968 – 2023 và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm.
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội; đại diện các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các chức sắc tôn giáo cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương phát biểu tại buổi lễ.
Trình bày diễn văn khai mạc tại buổi lễ, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: “Thế kỷ 10, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam”.
Triều đại Đinh, Tiền Lê đã đặt nền móng để nhà Lý nối ngôi năm 1009. Qua 42 năm, mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô ra Thăng Long, mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Hơn 1.000 năm trôi qua, âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng.
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hằng năm là một hoạt động văn hóa phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua các triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được.
Ông Phạm Quang Ngọc trình bày diễn văn buổi lễ.
Tại buổi lễ, các đại biểu và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật có chủ đề “Hoa Lư Ninh Bình – Thiên tình ca non nước”, với nhiều tiết mục đặc sắc và nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: thi đấu cờ tướng, bóng chuyền, cắm trại… Được biết, lễ hội Hoa Lư năm 2023 diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 30/4.

Thanh Hóa sôi nổi các lễ hội du lịch biển năm 2023

Tại Thanh Hóa, tối 28/4, đã khai mạc lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2023 với chủ đề “Hải Tiến – Khát vọng và phát triển”.

Trình bày diễn văn khai mạc, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Với khát vọng sớm xây dựng và phát triển huyện Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030; xây dựng và phát triển Hải Tiến trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa đang nỗ lực, phấn đấu từng ngày để biến khát vọng trở thành hiện thực, để “chắp cánh” cho du lịch biển Hải Tiến vươn xa.

Lễ hội du lịch biển Hải Tiến được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Hoằng Hóa, quảng bá tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch của vùng đất này đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội năm nay được tổ chức ấn tượng và đặc sắc, hứa hẹn mở ra một giai đoạn phát triển năng động của du lịch biển Hải Tiến trong thời gian tới.

Hoằng Hóa nổi danh là vùng đất hiếu học, giàu truyền thống lịch sử – văn hóa, với 16 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 77 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh; có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch biển và nghỉ dưỡng.
Với lợi thế về vị trí địa lý, khu du lịch biển Hải Tiến được hình thành và phát triển dọc theo bờ biển qua địa phận 5 xã ven biển của huyện. Được đầu tư theo hướng hiện đại, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có sự chuyển mình rõ rệt. Hiện 84 cơ sở lưu trú với hơn 6.700 phòng nghỉ tiện nghi; có trung tâm hội nghị cao cấp, khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh với nhiều trò chơi hấp dẫn.
Với chiến lược phát triển du lịch đúng hướng, biển Hải Tiến đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Một số dự án quy mô lớn đang triển khai, dự báo sẽ tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Hải Tiến, như dự án sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường…
Chương trình ca nhạc chào mừng lễ khai mạc.
Trước đó, tối 27/4 tại quảng trường biển khu du lịch Hải Hòa, UBND TX.Nghi Sơn cũng đã khai mạc du lịch biển Nghi Sơn 2023 với chủ đề “Về với biển Nghi Sơn”.
Thị xã Nghi Sơn với 42 km đường bờ biển, gần 40 di tích danh thắng, 20 lễ hội cùng với nhiều làng nghề truyền thống. Đến nay, thị xã đã tạo dựng được sản phẩm du lịch biển, đảo là sản phẩm thế mạnh, với nhiều điểm đến hấp như: Hải Hòa, Nghi Sơn, Tân Dân, Hải Ninh, Hải An, Hải Lĩnh, Ninh Hải… Cùng với đó là hệ thống các di tích danh thắng, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực, những tri thức dân gian độc đáo của ngư dân ven biển đã tạo nên một không gian biển hội tụ đa dạng những sắc màu tự nhiên và văn hóa đặc sắc, hấp dẫn đối với du khách.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, trong những năm gần đây, TX.Nghi Sơn đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực biển Hải Hòa; xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, quản lý, tổ chức dịch vụ du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Cũng trong những năm qua, một số nhà đầu tư lớn đã khởi công và bước đầu đưa vào hoạt động một số khu du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng trên địa bàn thị xã, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Đặc sắc Tuần văn hóa – du lịch Đồng Hới 2023

Tối 28/4, tại quảng trường biển Bảo Ninh, UBND TP.Đồng Hới đã tổ chức lễ hội chèo cạn – múa bông. Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhung, Phó chủ tịch UBND TP.Đồng Hới cho biết: “Chèo cạn – múa bông là nét văn hóa, biểu dương sức mạnh của cư dân vùng biển, đồng thời nuôi dưỡng niềm tin, ý chí vượt qua thử thách, gian lao để làm chủ vùng biển. Đây còn là dịp kết nối cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết, khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua sản xuất, tiếp nối truyền thống yêu lao động từ bao đời nay của người dân địa phương”.

Lễ hội Chèo Cạn - Múa Bông ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình

Chèo cạn là hình thức chèo thuyền cách điệu thành chèo trên sân đình.
Lễ hội chèo cạn – múa bông ở TP.Đồng Hới.
Sau phần khai mạc là nghi lễ dâng hương cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa được thực hiện bởi lãnh đạo TP.Đồng Hới, lãnh đạo xã Bảo Ninh.
Ở phần hội, nghệ nhân và diễn viên quần chúng đã thể hiện những động tác chèo cạn, múa bông mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của người dân địa phương vùng biển. Đội chèo cạn bắt đầu màn trình diễn nghệ thuật theo điệu hò của các cặp đôi nam thanh nữ tú. Từng động tác chèo được thực hiện nhịp nhàng, uyển chuyển. Vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của những cô gái mang áo dài, tóc búi cao, đầu đội mấn làm cho phần trình diễn thêm cuốn hút.
Trong khi đó, đội múa bông lại được đảm nhận bởi những thanh niên trẻ, khỏe. Người điều khiển mang bộ võ phục có màu sắc khác biệt. Đội múa bông theo đó mà biểu diễn nhịp nhàng hòa trong tiếng trống rộn ràng và tiếng cổ vũ nhiệt tình của khán giả tới xem.
Đoàn diễu hành đi qua cầu Nhật Lệ để tiến về Quảng trường biển Bảo Ninh.
Lễ hội đường phố.
Trước lễ hội chèo cạn – múa bông, chương trình lễ hội đường phố cũng được tổ chức rộn ràng. Các đội diễu hành tập trung, biểu diễn tại phố đi bộ đường Phan Bội Châu rồi lần lượt di chuyển, biểu diễn tại đường Nguyễn Du, ngã từ cầu Nhật Lệ, quảng trường biển Bảo Ninh.
Ngọc Thêm - Lan Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu